Trước bối cảnh mới của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự nổi lên của lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech), chuyển đổi số trở thành lựa chọn bắt buộc đối với ngành Ngân hàng Việt Nam, là hướng đi tất yếu giúp ngành Ngân hàng thích ứng và vượt lên thách thức của bối cảnh 4.0. Triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, nhận thức rõ cơ hội lẫn thách thức, Thống đốc NHNN đã phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021) với quan điểm lấy người dân làm trung tâm và tiện ích, thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ là thước đo hiệu quả chuyển đổi số.
Quyết tâm thúc đẩy số hóa các nghiệp vụ ngân hàng
Quyết định số 810/QĐ-NHNN đưa ra các mục tiêu: Phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, phát triển bền vững trên cơ sở thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong quản trị điều hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ.
Ngành Ngân hàng đưa ra một số chỉ tiêu cụ thể như số lượng giao dịch của khách hàng trên các kênh số đạt ít nhất 70% năm 2025 và 80% năm 2030. Ít nhất 50% các nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số (năm 2025) và đạt ít nhất 70% các nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số (năm 2030). Như vậy, trong kế hoạch chuyển đổi số của ngành Ngân hàng là đến năm 2025 tối thiểu 50% các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của công ty tài chính, ngân hàng thương mại phải qua kênh số hóa, tự động…
Các mục tiêu khác như: Ít nhất 50% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử (năm 2025) và đạt ít nhất 80% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử (vào năm 2030); ít nhất 70% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số (kênh tiếp xúc giữa khách hàng với ngân hàng có kết nối mạng Internet) đến năm 2025 và con số này đạt ít nhất 80% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số vào năm 2030…
Từ thời điểm ban hành Quyết định số 810/QĐ-NHNN đến nay, NHNN đã luôn chủ động, nỗ lực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đề ra để góp phần hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số ngành Ngân hàng. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025 có “ít nhất 50% quyết định giải ngân cho vay đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động” là một mục tiêu quan trọng, thể hiện quyết tâm cao của NHNN trong triển khai Kế hoạch.
Sau hai năm triển khai và trên cơ sở các điều kiện thực tiễn hiện nay, có thể thấy, việc đạt được mục tiêu này vào năm 2025 là tương đối khả thi vì các lí do:
Thứ nhất, thời gian qua, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã và đang tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào hoạt động ngân hàng, đặc biệt là các công nghệ phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, học máy… trong quy trình chấm điểm, đánh giá, kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng. Thực tế, trong khoảng một năm gần đây cho thấy, nhiều ngân hàng đã và đang thử nghiệm, triển khai sản phẩm, dịch vụ đăng kí khoản vay trực tuyến cho khách hàng cá nhân và đã nhận được ủng hộ vì sự tiện lợi, nhanh chóng trong tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ.
Thứ hai, NHNN đã và đang quan tâm rà soát, sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lí nhằm tạo thuận lợi cho việc triển khai cho vay bằng phương thức điện tử. Dự kiến NHNN sẽ ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, trong đó có nội dung quy định, hướng dẫn về cho vay bằng phương thức điện tử. Đồng thời, NHNN cũng đang rà soát, nghiên cứu xây dựng Luật Các TCTD (sửa đổi), trong đó dự kiến sửa đổi, bổ sung các quy định về cho vay để đáp ứng nhu cầu cho vay giá trị nhỏ bằng phương tiện điện tử.
Thứ ba, triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 06), ngày 24/4/2023, NHNN và Bộ Công an đã kí kết Kế hoạch phối hợp triển khai Đề án 06 bao gồm 11 nhóm nhiệm vụ lớn, 35 nhiệm vụ cụ thể; trong đó, có nhiệm vụ của Bộ Công an (C06) về xây dựng, hoàn thiện giải pháp chấm điểm tín dụng và công bố thông tin điểm này tới các TCTD để nghiên cứu, xem xét triển khai theo nhu cầu. Đây sẽ là một trong các nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng để TCTD xác minh khách hàng và phục vụ đánh giá, ra quyết định giải ngân cho vay bằng phương thức điện tử.
Luật Giao dịch điện tử đang được sửa đổi, bổ sung và tiếp tục lấy ý kiến tại kì họp thứ 5 Quốc hội khóa XV. Từ đó, tạo cơ sở pháp lí cho các bộ, ngành hoàn thiện quy định pháp luật có liên quan, giúp đẩy mạnh số hóa, ứng dụng kĩ thuật số, tạo môi trường giao dịch thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp qua kênh số, phương thức điện tử.
Chuyển đổi số ngành Ngân hàng gặt hái nhiều “trái ngọt”
Nhìn lại hơn hai năm qua, chuyển đổi số ngành Ngân hàng đã có những thành tựu nổi bật, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, là đối tượng thụ hưởng chính và là động lực cho sự phát triển.
Về hành lang pháp lí, NHNN đã nghiên cứu ban hành và triển khai nhiều chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số như: Ban hành hướng dẫn mở tài khoản thanh toán của cá nhân, phát hành thẻ ngân hàng, thực hiện dịch vụ bảo lãnh bằng phương thức điện tử eKYC; trình Chính phủ phê duyệt Quyết định triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money); Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM); ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, quy định về đảm bảo an ninh an toàn và thống nhất tiêu chuẩn kĩ thuật (QR Code, thẻ chíp…) tạo thuận lợi cho việc liên thông, kết nối; giảm phí dịch vụ thanh toán (giai đoạn Covid-19 và hậu Covid-19) để khuyến khích người dân tiếp cận sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử. NHNN đang trong quá trình hoàn thiện để chuẩn bị ban hành văn bản hướng dẫn cho vay tiêu dùng đối với cá nhân bằng phương thức điện tử… Hiện nay, NHNN đang hoàn thiện trình Chính phủ Nghị định TTKDTM, Nghị định về cơ chế quản lí thử nghiệm có kiểm soát cho hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng (Regulatory Sandbox); rà soát, sửa đổi Luật Các TCTD dự kiến bổ sung các quy định để triển khai chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số.
Về hạ tầng, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả, thông suốt, đáp ứng nhu cầu thanh toán liên ngân hàng trong toàn quốc. Công tác đảm bảo an ninh an toàn hệ thống công nghệ thông tin được chú trọng. Công tác đảm bảo an ninh, an toàn luôn NHNN và ngành Ngân hàng chú trọng. Theo đó, NHNN ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai trong toàn Ngành thực hiện công tác đảm bảo an ninh an toàn hệ thống, bảo mật dữ liệu khách hàng; thường xuyên triển khai các chương trình truyền thông, giáo dục tài chính với nhiều hình thức đa dạng để hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng an toàn, hợp lí; tích cực phối hợp với cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tội phạm công nghệ cao; bảo đảm an toàn các hệ thống thông tin; phối hợp diễn tập ứng cứu sự cố an toàn thông tin; đào tạo chuyên gia an toàn thông tin; phối hợp cung cấp thông tin phục vụ điều tra, truy bắt tội phạm, đặc biệt là tội phạm mạng…
Về phát triển sản phẩm, dịch vụ đổi mới sáng tạo, nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng thân thiện được cung ứng đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Cụ thể, năm 2022, tăng trưởng thanh toán qua kênh di động, phương thức QR Code tăng trưởng trên 100% so với năm 2021 (kênh Mobile tăng 139,3% về số lượng và 106,5% về giá trị; qua phương thức QR Code tăng 225,4% về số lượng và 243,9% về giá trị). Giao dịch qua kênh Internet năm 2022 tăng 98,5% về số lượng và 50,2% về giá trị so với năm 2021. Giao dịch qua ATM ba tháng đầu năm 2023 so với cùng kì năm 2022 giảm 2,37% về số lượng và 4,02% về giá trị, phản ánh xu hướng dịch chuyển sang thanh toán điện tử, TTKDTM.
Tính đến tháng 5/2023, khoảng 74,63% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng; khoảng 18,6 triệu thẻ, 8,7 triệu tài khoản ngân hàng được mở bằng eKYC đang hoạt động; hơn 2,8 triệu tài khoản Mobile-Money đã được mở, với khoảng 70,4% được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa… với hơn 8.800 điểm kinh doanh và hơn 15.000 đơn vị chấp nhận thanh toán, số lượng giao dịch của tài khoản Mobile-Money đạt hơn 19 triệu món với giá trị đạt 1.268 tỉ đồng.
Hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập kết nối giữa dịch vụ ngân hàng với nhiều dịch vụ khác trong nền kinh tế để cung ứng trải nghiệm liền mạch cho khách hàng, nhiều ngân hàng Việt Nam có tỉ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số. Bên cạnh đó, NHNN đang phối hợp với các cơ quan liên quan thúc đẩy việc triển khai chi trả qua tài khoản (tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản Mobile-Money…) cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội.
Với những kết quả đạt được, chỉ số chuyển đổi số (DTI) của NHNN xếp thứ hạng cao trong các bộ, ngành (xếp thứ hai năm 2020, xếp thứ 4 năm 2021) và được đánh giá, ghi nhận tại các cuộc họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Ban chỉ đạo triển khai Đề án 06. Từ năm 2019 đến nay, NHNN liên tiếp được xếp hạng A về công tác bảo đảm an toàn thông tin.
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục áp dụng một số giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số ngành Ngân hàng, cụ thể:
Thứ nhất, tiếp tục tập trung rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lí tạo thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số ngân hàng, trước mắt là dự thảo Luật Các TCTD, Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về TTKDTM; Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng; dự thảo Thông tư quy định về hoạt động cho vay bằng phương thức điện tử và các Thông tư quy định về đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng điện tử…
Thứ hai, đảm bảo sự vận hành thông suốt, an toàn của các hệ thống thanh toán. Nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, triển khai ứng dụng các giải pháp đảm bảo an ninh, bảo mật trong hoạt động ngân hàng và tăng cường khả năng kết nối liên thông và tích hợp dịch vụ giữa ngành Ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác, mở rộng hệ sinh thái số để gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng. Trong đó, ưu tiên kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Kế hoạch phối hợp giữa NHNN và Bộ Công an về triển khai Đề án 06 để làm sạch dữ liệu, xác thực khách hàng và ứng dụng, triển khai các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng.
Thứ ba, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, khai thác hiệu quả dữ liệu trong thiết kế, phát triển và cung ứng sản phẩm, dịch vụ tiện ích phù hợp với nhu cầu, hành vi của từng nhóm đối tượng khách hàng đi cùng với công tác đảm bảo an ninh an toàn và bảo mật thông tin khách hàng.
Thứ tư, xây dựng và triển khai các chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại, trang bị những kiến thức, kĩ năng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động chuyển đổi số ngành Ngân hàng.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, thông tin đến các khách hàng dưới nhiều hình thức để hướng dẫn, nâng cao nhận thức, hiểu biết của khách hàng về ứng dụng công nghệ và những lưu ý, cảnh báo để hỗ trợ khách hàng nhận biết, phòng, tránh rủi ro khi thực hiện giao dịch trên môi trường điện tử.
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 của Thống đốc NHNN phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
2. https://www.sbv.gov.vn