18 C
Vietnam
spot_img
HomeCông NghệHoạt động khoa học và công nghệ ngành Ngân hàng thời gian...

Hoạt động khoa học và công nghệ ngành Ngân hàng thời gian qua và định hướng những năm tới

Hoạt động khoa học và công nghệ ngành Ngân hàng thời gian qua và định hướng những năm tới

Khoa học và công nghệ (KH&CN) đã phát triển vượt bậc và trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, nâng cao năng lực sản xuất, tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Đối với nước ta, kể từ khi đổi mới đến nay, KH&CN đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Bài viết này đề cập đến vai trò của KH&CN, phân tích thực trạng hoạt động KH&CN của ngành Ngân hàng, từ đó đưa ra định hướng hoạt động KH&CN trong thời gian tới để hỗ trợ ngành Ngân hàng có những giải pháp phù hợp, thích ứng kịp thời, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả.
 

1. Vai trò của KH&CN 
 

Theo Luật KH&CN năm 2013, khoa học là hệ thống tri thức về bản chất, quy luật tồn tại và phát triển của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy; công nghệ là giải pháp, quy trình, kỹ thuật, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm. Hoạt động KH&CN là hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và triển khai thực nghiệm, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ, dịch vụ KH&CN, phát huy sáng kiến và hoạt động sáng tạo khác nhằm phát triển KH&CN.
 

Nghiên cứu khoa học là hoạt động khám phá, phát hiện, tìm hiểu bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên và xã hội, là tư duy, sáng tạo và các giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn. Thông qua việc nghiên cứu khoa học mà chúng ta hiểu biết sâu sắc về những vấn đề, những quy luật trong tự nhiên và đời sống xã hội để từ đó có thể ra quyết định phù hợp và có những hành động cụ thể để vận dụng các quy luật đó vào thực tiễn đời sống xã hội. Lịch sử cho thấy, hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng những kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn đời sống là một trong những yếu tố giúp phát triển xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.
 

Từ nửa cuối thế kỷ XII, KH&CN đã phát triển vượt bậc và trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, nâng cao năng lực sản xuất cũng như tạo ra công cụ lao động nhằm tạo ra của cải vật chất của xã hội. Đối với nước ta, kể từ khi đổi mới đến nay, KH&CN đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tầm quan trọng của KH&CN đã được khẳng định trong Hiến pháp năm 2013 “Phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu; KH&CN giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước”. Mục tiêu tổng quát trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng chỉ rõ “kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế”. 
 

Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 cũng nêu rõ quan điểm “Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới; là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả; là nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, các ngành, lĩnh vực kinh tế – xã hội, địa phương và doanh nghiệp; là nền tảng để thực hiện chuyển đổi số quốc gia; góp phần quan trọng nâng cao đời sống nhân dân, phát triển bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh”. Trong đó, đổi mới sáng tạo là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.

 

2. Kết quả hoạt động KH&CN của ngành Ngân hàng thời gian qua
 

Dưới sự chỉ đạo toàn diện của Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng như sự tư vấn, định hướng của Hội đồng KH&CN ngành Ngân hàng (Hội đồng) với thành viên là các chuyên gia, cán bộ am hiểu chuyên sâu về lĩnh vực ngân hàng đến từ các đơn vị, vụ, cục NHNN, các trường đại học, các ngân hàng thương mại (NHTM) và các chuyên gia, nhà khoa học, ngành Ngân hàng đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của KH&CN đối với sự phát triển của Ngành. Nhằm đón đầu xu hướng phát triển của KH&CN, NHNN đã chủ động thực hiện nhiều hoạt động của Ngành nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 cũng nhất quán khẳng định việc chú trọng phát triển, ứng dụng KH&CN trong ngành Ngân hàng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của toàn Ngành. Nhờ đó, hoạt động KH&CN của ngành Ngân hàng thời gian vừa qua đã đạt được một số kết quả nổi bật như sau: 
 

Thứ nhất, hoạt động ứng dụng KH&CN trong ngành Ngân hàng được triển khai mạnh mẽ tại NHNN và các tổ chức tín dụng (TCTD) dựa trên “Chiến lược phát triển Công nghệ thông tin ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thống đốc NHNN ban hành theo Quyết định số 2655/QĐ-NHNN ngày 26/12/2019 và “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thống đốc NHNN ban hành theo Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 và “Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin của NHNN” hằng năm. Việc đẩy mạnh ứng dụng KH&CN, đặc biệt là các thành tựu của cuộc CMCN 4.0 đã giúp NHNN nâng cao hiệu quả hoạt động, điều hành chính sách và thực hiện cải cách thủ tục hành chính; giúp các TCTD cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tài chính mới vừa mang lại lợi ích cho ngân hàng, tiết kiệm chi phí giao dịch, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh vừa tạo sự tiện lợi cho khách hàng sử dụng dịch vụ; giúp các trường đại học trong ngành Ngân hàng nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác giảng dạy.
 

Thứ hai, hoạt động nghiên cứu KH&CN của ngành Ngân hàng đã đáp ứng cơ bản nhu cầu cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn để ban hành các cơ chế chính sách phục vụ công tác quản lý, điều hành của NHNN; đề xuất giải pháp cải tiến quy trình nghiệp vụ của các TCTD. Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu còn giúp ngành Ngân hàng nhận diện, tìm hiểu, phân tích các vấn đề mang tính thời sự, dự báo xu hướng mới, từ đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị để ngành Ngân hàng có những chính sách, biện pháp ứng phó hợp lý và kịp thời. Kết quả nghiên cứu KH&CN còn được sử dụng làm tài liệu tham khảo trong hoạt động giảng dạy nhằm bổ sung những kiến thức chuyên sâu cho giảng viên và sinh viên của các trường đại học trong Ngành.
 

Nhiệm vụ KH&CN cấp bộ/cơ sở được Thống đốc NHNN giao các cá nhân, đơn vị trong Ngành, chia theo nhóm các đơn vị cụ thể như Bảng 1.
 

Bảng 1: Danh mục nhiệm vụ KH&CN của ngành Ngân hàng qua các năm 

Nguồn: Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN 
 
Những đổi mới trong công tác quản lý các nhiệm vụ KH&CN ngành Ngân hàng thông qua hoạt động kiện toàn môi trường pháp lý, chuẩn hóa quy trình triển khai các nhiệm vụ KH&CN, từ năm 2016 các nhiệm vụ KH&CN cấp bộ và cấp cơ sở của NHNN đã khắc phục được tình trạng quá hạn kéo dài của giai đoạn trước. Bên cạnh đó, với việc xây dựng định hướng bám sát các vấn đề của Ngành và sự nghiêm túc đóng góp của các thành viên trong hội đồng khi tham gia các hội đồng tư vấn, trong những năm qua, ngành Ngân hàng đã lựa chọn và triển khai nghiên cứu nhiều đề tài/dự án có ý nghĩa thiết thực đối với hoạt động ngân hàng. (Bảng 2, 3)

Bảng 2: Kết quả đánh giá, nghiệm thu các nhiệm vụ KH&CN cấp bộ của NHNN

Đơn vị: Nhiệm vụ

(Danh mục năm 2021 có 01 nhiệm vụ KH&CN đang làm thủ tục nghiệm thu)

Nguồn: Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN

Bảng 3: Kết quả đánh giá, nghiệm thu các nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở của NHNN

Đơn vị: Nhiệm vụ

(Danh mục năm 2021 có 01 nhiệm vụ KH&CN chưa làm thủ tục nghiệm thu)
Nguồn: Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN

 

Cùng với sự gia tăng số lượng các nhiệm vụ KH&CN sau khi nghiệm thu được chuyển giao ứng dụng tới các đơn vị thuộc NHNN và NHTM, tỷ lệ nhiệm vụ chuyển giao được báo cáo có ứng dụng cũng tăng dần qua các năm. (Bảng 4)
 

Bảng 4: Nhiệm vụ KH&CN được ứng dụng theo Danh mục trong năm 2021

* Số nhiệm vụ được ứng dụng cao hơn số nhiệm vụ được kiến nghị chuyển giao ứng dụng do đơn vị nghiên cứu chủ động ứng dụng kết quả nghiên cứu tại đơn vị và gửi báo cáo ứng dụng

 

Tại Học viện Ngân hàng và Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh việc thực hiện các đề tài (cấp Nhà nước, cấp bộ, cấp tỉnh) được giao, các trường còn triển khai nhiều đề tài cấp cơ sở để tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, nhà khoa học có điều kiện nâng cao năng lực nghiên cứu. Cùng với đó, số bài nghiên cứu được công bố trên các tạp chí quốc tế (đặc biệt là các tạp chí được xếp hạng ISI, Scopus) của các trường tăng mạnh trong thời gian gần đây.
 

Thứ ba, hoạt động tổ chức hội thảo, hội nghị, tọa đàm được tích cực triển khai bài bản với nhiều quy mô (cấp cơ sở, cấp ngành, quốc gia, quốc tế) không chỉ có ý nghĩa với Ngành mà còn đóng góp cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Các hội thảo phổ biến kết quả nghiên cứu của các nhiệm vụ KH&CN ngành Ngân hàng đã nghiệm thu được tổ chức định kỳ, có chiều sâu và có tính lan tỏa, giúp các đơn vị có liên quan nắm bắt được những kết quả nghiên cứu mới để ứng dụng vào công việc thực tiễn tại đơn vị. Các hội thảo quốc tế tại Học viện Ngân hàng và Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh gần đây được tổ chức kết hợp giữa trực tiếp với trực tuyến đã thu hút được đông đảo các nhà khoa học quan tâm và tham gia. Một số sự kiện đáng chú ý là sự kiện “Ngày chuyển đổi số” ngành Ngân hàng (2022), Hội thảo, triển lãm Banking Việt Nam, sự kiện hưởng ứng ngày KH&CN hằng năm, các hội thảo “Quản lý dữ liệu thông minh trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính – iDMBF2020”, “Hành lang pháp lý cho ngân hàng số tại Việt Nam”, “Ngành Ngân hàng Việt Nam với cuộc CMCN 4.0”, “Nâng cao chất lượng thu thập thông tin và chấm điểm tín dụng cho khách hàng cá nhân tại các tổ chức tín dụng”, “Bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính – Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam”… 
 

Theo đó, chất lượng của các sự kiện KH&CN trong ngành Ngân hàng từng bước được nâng cao với các nội dung mang tính thời sự và phần thảo luận được tăng cường, tập trung trao đổi, bình luận các vấn đề được quan tâm, thêm vào đó, công tác tổ chức không ngừng được đổi mới, hoàn thiện theo hướng ngày càng chuyên nghiệp hơn. Nhờ đó, thu hút sự chú ý của các tổ chức thông tin, truyền thông trong nước và được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá cao. 
 

Thứ tư, công tác phổ biến, thống kê thông tin KH&CN thời gian qua có những bước chuyển tích cực với nhiều hình thức đa dạng và các hoạt động cụ thể: (i) Hiện đại hóa hoạt động phổ biến, thống kê thông tin KH&CN thông qua vận hành Cổng thông tin KH&CN Ngân hàng; (ii) Tăng cường phổ biến, kết nối giữa các nhóm nghiên cứu với các đơn vị có khả năng thụ hưởng kết quả nghiên cứu của các nhiệm vụ KH&CN, tạo nơi để kết nối giữa đơn vị chủ trì nghiên cứu với các đơn vị ứng dụng kết quả, cũng như là nơi thảo luận, trao đổi để có thể tiếp tục phát triển các kết quả nghiên cứu đã đạt được; (iii) Tóm tắt, biên tập các đề tài/dự án nghiệm thu đăng tải trên chuyên mục nghiên cứu trao đổi của Website NHNN và Bản tin điện tử KH&CN của Cổng thông tin KH&CN Ngân hàng nhằm hỗ trợ các đơn vị, vụ, cục thuộc NHNN, các trường đại học và các NHTM tiếp cận dễ dàng công trình nghiên cứu trong ngành Ngân hàng; (iv) Chú trọng tìm tòi các chủ đề mới, chủ đề có tính lan tỏa, kết hợp với các nghiên cứu đã có được đánh giá cao để khai thác, phát triển, biên soạn và biên tập thành các ấn phẩm KH&CN được công bố rộng rãi, trong đó có thể kể đến một số ấn phẩm liên quan đến các chiến lược, đề án đang được triển khai rộng rãi trong ngành Ngân hàng, các vấn đề nóng đang được quan tâm. Việc phổ biến rộng rãi kết quả nghiên cứu KH&CN tạo cơ hội để cán bộ, nhà nghiên cứu và người quan tâm có thể tương tác, trao đổi trực tiếp thông tin cần thiết với nhóm nghiên cứu, tăng tính lan tỏa của những kết quả nghiên cứu KH&CN và góp phần nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Ngân hàng.
 

Mặc dù trong những năm qua, hoạt động KH&CN của ngành Ngân hàng đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ nhưng vẫn còn một số tồn tại như:
 

– Tốc độ phát triển công nghệ quá nhanh và thay đổi từng ngày dẫn đến tình trạng có một số sản phẩm, dịch vụ mới, hiện đại ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn như tiền gửi điện tử, e-KYC… nhưng chưa có khuôn khổ pháp lý điều chỉnh. Điều này gây khó khăn cho các TCTD trong việc triển khai thực hiện và cơ quan quản lý trong công tác quản lý, giám sát. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng tại một số TCTD chưa đủ khả năng đáp ứng cho việc ứng dụng công nghệ mới, vấn đề an ninh bảo mật thông tin vẫn còn nhiều thách thức.
 

– Hoạt động nghiên cứu khoa học của một số đơn vị còn chưa được quan tâm đúng mức. Một số đơn vị do bận công tác chuyên môn nên chưa dành nhiều thời gian cho công tác nghiên cứu khoa học. Một số nhiệm vụ KH&CN còn phải gia hạn thời gian thực hiện vì nhiều lý do, cả khách quan và chủ quan.
 

– Công tác quản lý khoa học1 cần được cải thiện để đáp ứng yêu cầu đặt ra trong bối cảnh các công việc, thủ tục hành chính đang dần được số hóa. Hiện công tác quản lý đã phát sinh những bất cập liên quan chủ yếu đến tổ chức chủ trì, cá nhân chủ trì nhiệm vụ KH&CN, phân loại nhiệm vụ KH&CN, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, yêu cầu đối với nhiệm vụ KH&CN, trình tự đề xuất nhiệm vụ KH&CN, phương thức làm việc và trình tự phiên họp của các hội đồng tư vấn, thành lập hội đồng tư vấn cấp cơ sở, điều kiện đối với các tổ chức tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ KH&CN, đánh giá và xếp loại nhiệm vụ KH&CN… Bên cạnh đó, một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác quản lý các nhiệm vụ KH&CN2 cũng đang được Bộ KH&CN tiến hành sửa đổi.

 

3. Định hướng hoạt động KH&CN của ngành Ngân hàng trong thời gian tới
 

KH&CN luôn phát triển và biến đổi không ngừng với tốc độ nhanh chóng. Hiện nay, các thành quả KH&CN và đặc biệt là sự đổi mới vượt bậc về công nghệ trong làn sóng CMCN 4.0 đã, đang và hứa hẹn sẽ thay đổi diện mạo cũng như phương thức phát triển kinh tế – xã hội trên toàn cầu. Trước xu thế này, phát triển và ứng dụng KH&CN tiếp tục được Đảng và Chính phủ xác định là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ Tổ quốc và là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp; trong đó việc chủ động, tích cực tham gia cuộc CMCN 4.0 được nhìn nhận là cơ hội để Việt Nam bứt phá.
 

Các nhiệm vụ này được đặt ra trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với những thách thức của xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; sự phát triển mạnh mẽ của CMCN 4.0; nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, xu hướng dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu… Bên cạnh đó, độ mở của nền kinh tế Việt Nam ngày càng lớn, các đối tác thương mại, đầu tư lớn quan tâm hơn đến điều hành kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ của Việt Nam… Do đó, hoạt động KH&CN ngành Ngân hàng trong giai đoạn tới càng cần phải phát huy mạnh mẽ vai trò của mình để hỗ trợ ngành Ngân hàng có những giải pháp phù hợp, thích ứng kịp thời, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả và phát triển. Theo đó:
 

– Ứng dụng thành tựu KH&CN trong ngành Ngân hàng cần tiếp tục được thực hiện theo nhiệm vụ đặt ra tại “Chiến lược phát triển Công nghệ thông tin ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Bên cạnh đó, NHNN cũng cần tích cực phối hợp với các bộ, ngành khác và chủ động rà soát thường xuyên khuôn khổ pháp lý để kịp thời ban hành các quy định nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm, dịch vụ của các TCTD. 
 

– Hoạt nghiên cứu khoa học trong ngành Ngân hàng cần tiếp tục bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của các đơn vị, vụ, cục thuộc NHNN cũng như hoạt động của các TCTD nhằm cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn để ban hành các cơ chế, chính sách phục vụ cho công tác quản lý, điều hành của NHNN, đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các TCTD. Đối với các trường đại học trong Ngành, bên cạnh việc công bố các công trình nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế được xếp hạng ISI, Scopus…, cần chủ động phát hiện ra những vấn đề mới, quan trọng đối với ngành Ngân hàng để từ đó có những đề xuất nghiên cứu mang tính đón đầu các xu hướng mới, đưa ra khuyến nghị có giá trị và có tính thực tiễn cao cho NHNN và các TCTD. 
 

– Các đơn vị cần chủ động, dành nhiều thời gian và nguồn lực hơn cho công tác nghiên cứu khoa học; thẩm định, rà soát kỹ các đề xuất nghiên cứu để đảm bảo sự cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng mục tiêu và nội dung nghiên cứu phù hợp, có phương án triển khai mang tính khả thi cao, tạo điều kiện cho cán bộ tham gia công tác nghiên cứu khoa học.

– Các quy định liên quan đến hoạt động quản lý các nhiệm vụ KH&CN trong ngành Ngân hàng cần phải được rà soát, sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong Ngành và phù hợp với các quy định mới của Bộ KH&CN trong hoạt động quản lý các nhiệm vụ KH&CN.
 

– Các hoạt động KH&CN khác của ngành Ngân hàng cần bám sát quan điểm, mục tiêu, định hướng chủ yếu và tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao tại “Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030” do Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022, trong đó tập trung vào một số nội dung chính: (i) Đổi mới cơ chế hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; (ii) Thu hút, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; (iii) Phát triển và khai thác có hiệu quả hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và (iv) Chủ động đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

 

4. Kết luận
 

Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã nêu rõ quan điểm ứng dụng KH&CN hiện đại và đổi mới sáng tạo đi đôi với phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao là những nhân tố chính, then chốt cho sự phát triển nhanh và bền vững, nâng cao sức cạnh tranh, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển của ngành Ngân hàng Việt Nam so với khu vực và thế giới. Trên cơ sở phân tích thực trạng hoạt động KH&CN của ngành Ngân hàng, xu hướng phát triển và ứng dụng KH&CN trên thế giới, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, các chiến lược của Ngành, bài viết này đưa ra một số định hướng nhằm thúc đẩy hoạt động KH&CN của ngành Ngân hàng trong thời gian tới để tiếp tục là đơn vị đi đầu so với các bộ, ngành thuộc Chính phủ trong việc nắm bắt, tận dụng những thành tựu của cuộc CMCN 4.0 và có tốc độ ứng dụng ngân hàng số nhanh nhất trong khu vực. 

 

1 Hiện nay, hoạt động quản lý các nhiệm vụ KH&CN của thuộc lĩnh vực quản lý của NHNN tuân thủ theo Thông tư số 37/2015/TT-NHNN ngày 31/12/2015 của NHNN quy định về quản lý và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước thuộc trách nhiệm quản lý của NHNN.

 

2 Nghị định số 70/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước; Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22/4/2015 của Bộ KH&CN và Bộ Tài chính hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước; Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC ngày 30/12/2012 của Bộ KH&CN và Bộ Tài chính quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước.

TS. Nguyễn Thị Hòa
Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN

Bài Viết Mới Nhất

Đáng Xem

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here