22 C
Vietnam
spot_img
HomeTài ChínhKhẩn trương triển khai kế hoạch dự trữ quốc gia

Khẩn trương triển khai kế hoạch dự trữ quốc gia

(TBTCO) – Trong 6 tháng đầu năm 2023, với tinh thần chủ động, quyết tâm cao, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã bám sát các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp trong thực hiện kế hoạch dự trữ quốc gia.

Khẩn trương triển khai kế hoạch dự trữ quốc gia
Công tác kiểm tra chất lượng hàng dự trữ quốc gia luôn được thực hiện chặt chẽ. Ảnh: Đức Minh

Chủ động giao kế hoạch theo đúng quy định

Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành quyết định phân bổ, giao dự toán ngân sách nhà nước chi mua lương thực, vật tư thiết bị dự trữ quốc gia (DTQG).

Ngay sau khi có quyết định giao chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục DTNN đã ban hành quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch và hướng dẫn để các cục DTNN khu vực triển khai thực hiện. Đến nay, Tổng cục DTNN đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua 220.000 tấn gạo và dự kiến hoàn thành nhập kho gạo DTQG chậm nhất đến ngày 15/10/2023.

Đại diện lãnh đạo Vụ Kế hoạch – Tổng cục DTNN cho biết, Tổng cục DTNN đã tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ Tài chính và các đơn vị thuộc Bộ Tài chính giao chỉ tiêu, điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch DTQG năm 2023 và hướng dẫn thực hiện kế hoạch 2023 để các cục DTNN khu vực căn cứ triển khai thực hiện, chủ động, bám sát nhiệm vụ xây dựng giá mua hàng DTQG, thực hiện tham khảo giá thị trường mua vật tư, thiết bị DTQG.

Hiện tổng cục đã trình Bộ Tài chính ban hành giá để triển khai mua và đang triển khai thu thập thông tin xây dựng phương án giá các vật tư, thiết bị DTQG. Kế hoạch nhập vật tư, thiết bị DTQG năm 2023 gồm: xuồng 308 bộ; nhà bạt cứu sinh các loại 18.500 bộ; phao áo cứu sinh 300.000 chiếc; phao tròn cứu sinh 310.000 chiếc; bè nhẹ cứu sinh 6.500 chiếc; máy phát điện 270 bộ; máy bơm nước chữa cháy 100 bộ; thiết bị khoan cắt 50 bộ; thiết bị phóng dây cứu hộ 100 bộ.

Về công tác xuất cấp hàng DTQG, theo báo cáo của Tổng cục DTNN, lũy kế từ đầu năm đến ngày 30/6/2023, đã xuất cấp các mặt hàng với tổng trị giá 896 tỷ đồng (gồm: 62.393 tấn gạo trị giá khoảng 748 tỷ đồng và các mặt hàng vật tư, thiết bị trị giá khoảng 148 tỷ đồng).

Cụ thể: về lương thực (hỗ trợ Tết Nguyên đán 16.920 tấn gạo, hỗ trợ giáp hạt đầu năm 1.339 tấn gạo, hỗ trợ học sinh là 31.374 tấn gạo, hỗ trợ dự án trồng rừng là 2.760 tấn gạo, xuất viện trợ 10.000 tấn gạo cho Cuba); về vật tư, thiết bị (xuồng 30 bộ, nhà bạt cứu sinh các loại 1.220 bộ, phao cứu sinh các loại 159.730 chiếc, thiết bị chữa cháy đồng bộ 147 bộ, máy phát điện các loại 43 bộ, thiết bị khoan cắt 23 bộ, thiết bị tìm kiếm nạn nhân bằng hình ảnh và âm thanh 10 bộ).

Tổng cục DTNN nhận định, việc xuất cấp các mặt hàng DTQG đã được các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với các địa phương, chỉ đạo, tổ chức thực xuất cấp nhanh chóng, kịp thời, góp phần hỗ trợ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội; qua đó, tạo sự tin tưởng của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cấp, các ngành.

Bên cạnh đó, việc xuất cấp viện trợ cho nước bạn (Cuba) là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần tăng cường, củng cố mối quan hệ đặc biệt, sự hợp tác toàn diện của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân nước bạn, góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Xây dựng cơ chế, chính sách dự trữ quốc gia đồng bộ

Theo ông Hoàng Văn Quyết – Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế – Tổng cục DTNN cho biết, theo kế hoạch đầu năm 2023 và kế hoạch bổ sung, Tổng cục DTNN được giao xây dựng 1 quyết định trình Thủ tướng Chính phủ (Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050) và 7 thông tư trình Bộ Tài chính ban hành.

Ngoài các đề án xây dựng cơ chế chính sách theo kế hoạch, năm 2023, Tổng cục DTNN đã chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành quản lý hàng DTQG xây dựng trình Thủ trướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2030.

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hàng DTQG, Tổng cục DTNN đã ban hành công văn đề nghị các bộ, ngành đề xuất kế hoạch xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế – kỹ thuật đối với hàng DTQG năm 2023 và 2024; đồng thời thực hiện báo cáo định kỳ chất lượng hàng DTQG do các bộ, ngành quản lý theo quy định.

Ngoài ra, Tổng cục DTNN cũng đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành trong công tác xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế – kỹ thuật hàng DTQG làm cơ sở cho công tác quản lý điều hành DTQG.

Tổng cục DTNN đã tham gia ý kiến vào dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hóa chất khử trùng xử lý nguồn nước của Bộ Y tế, tham gia ý kiến vào dự thảo 32 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng DTQG do Bộ Công an quản lý; trình Bộ Tài chính dự thảo văn bản đề nghị Bộ Công thương xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với xăng dầu DTQG theo đúng quy định của pháp luật; gửi xin ý kiến trên Cổng Thông tin của Bộ Tài chính về dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với ray, dầm cầu đường sắt DTQG do Bộ Giao thông vận tải quản lý.

Ông Hoàng Văn Quyết cho biết, để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Tổng cục (DTNN) đã tập trung xây dựng, cơ chế, chính sách DTQG đảm bảo thống nhất, đồng bộ. Theo đó, Tổng cục DTNN đã chủ động, rà soát các quy định của Luật DTQG, Nghị định số 94/2013/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện luật.

Đồng thời, Tổng cục DTNN thực hiện đối chiếu với quy định pháp luật các lĩnh vực khác có liên quan, để kịp thời phát hiện những điểm còn chồng chéo, thiếu đồng bộ để đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật chung. Tổng cục DTNN rà soát, lập chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật DTQG theo quy định…

Điều chỉnh quy định phù hợp với thực tế

Trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm, trường hợp phát sinh các văn bản cần thiết phải bổ sung, hoặc vì nguyên nhân khách quan phát sinh văn bản không thể hoàn thành theo tiến độ đã đăng ký, Tổng cục Dự trữ Nhà nước kịp thời phối hợp với Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) để báo cáo Bộ Tài chính xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế…

Bài Viết Mới Nhất

Đáng Xem

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here