17 C
Vietnam
spot_img
HomeCông NghệChuyển đổi số ngành Ngân hàng Việt Nam: Giữ vững ngọn cờ...

Chuyển đổi số ngành Ngân hàng Việt Nam: Giữ vững ngọn cờ tiên phong

Chuyển đổi số ngành Ngân hàng Việt Nam: Giữ vững ngọn cờ tiên phong

Phạm Tiến Dũng

Phó Thống đốc NHNN Việt Nam

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, khẳng định tiến trình phục hồi bền vững và thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam. Nhìn chung, tình hình kinh tế của nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi trong hầu hết các ngành, lĩnh vực.

Trong bối cảnh suy thoái toàn cầu ngày càng hiện hữu, lạm phát cao trên toàn thế giới, tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn có những dấu ấn tích cực với các tín hiệu khá lạc quan. Một trong những nhân tố tạo nên điểm sáng trên bức tranh kinh tế năm qua, đó chính là chuyển đổi số được thực hiện mạnh mẽ và lan tỏa nhanh chóng từ các cơ quan quản lý nhà nước đến các doanh nghiệp và người dân, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng với vai trò huyết mạch của nền kinh tế. Tại sự kiện “Chuyển đổi số” ngành Ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu rõ: “Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan, là yêu cầu cấp bách, bắt buộc, ngành Ngân hàng hội tụ đủ những yếu tố để tiên phong và thực tế đang đi tiên phong trong tiến trình này”; đồng thời, Thủ tướng cũng biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm của ngành Ngân hàng góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Tiếp tục kế thừa, phát huy những thành quả đạt được trước đó, cùng với sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ban ngành liên quan và sự chủ động tích cực, ngành Ngân hàng đã đạt được những thành quả đáng khích lệ trong công cuộc chuyển đổi số toàn diện trên các mặt như: Chuyển đổi nhận thức, kiến tạo thể chế, xây dựng hạ tầng công nghệ, phát triển dịch vụ và đảm bảo an ninh, an toàn.
 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại sự kiện “Chuyển đổi số ngành Ngân hàng”
 

1. Chuyển đổi nhận thức
 

Là một trong các bộ, ngành đầu tiên thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số ngành Ngân hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) làm Trưởng ban, NHNN luôn xác định nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số, chuyển đổi nhận thức phải được thực hiện ngay từ phía các cơ quan quản lý, từ người đứng đầu để từ đó lan tỏa đến các đơn vị trong toàn Ngành.
 

Triển khai chủ trương, định hướng của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) và thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia1, NHNN thường xuyên tổ chức các Hội nghị về CMCN 4.0, chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng với sự tham gia của đông đảo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan. Trong năm 2022, NHNN đã tổ chức khóa bồi dưỡng chuyển đổi số ngành Ngân hàng dành cho tất cả lãnh đạo cấp Vụ và Giám đốc Chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố với sự tham gia trực tiếp của lãnh đạo NHNN, Bộ Thông tin và Truyền thông và các chuyên gia quốc tế. Ngoài ra, NHNN cũng chú trọng triển khai các chương trình phổ biến kiến thức ngân hàng – tài chính cho người dân, cộng đồng2. Thông qua các phương tiện thông tin truyền thông trong và ngoài Ngành, NHNN đã tăng cường công tác truyền thông về các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, NHNN về sự chủ động tham gia CMCN 4.0, về chuyển đổi số quốc gia nói chung và kết quả chuyển đổi số ngành Ngân hàng nói riêng3. Ngày 04/8/2022, NHNN đã tổ chức sự kiện “Chuyển đổi số ngành Ngân hàng” và là một trong những ngành đầu tiên công bố lựa chọn “Ngày Chuyển đổi số” của Ngành là ngày 11/5 hằng năm. Sự kiện có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và lãnh đạo một số bộ, ngành đã khẳng định nỗ lực, quyết tâm cao của ngành Ngân hàng, giữ vững vai trò tiên phong trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia. 

 

2. Kiến tạo thể chế
 

Có thể nói, chuyển đổi số là cuộc cách mạng thiên nhiều về thể chế, còn công nghệ số là công cụ, đòn bẩy quan trọng. Do đó, khuôn khổ pháp lý cần phải được hoàn thiện và sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thay đổi nhanh chóng của thực tiễn trong thời đại số. Điều này đã được thể hiện xuyên suốt tại Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được ban hành theo Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 của Thống đốc NHNN với quan điểm cải cách, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý là nhân tố quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số ngành Ngân hàng; đồng thời cũng là một trụ cột quan trọng trong giải pháp tạo thuận lợi cho chuyển đổi số. Năm 2022, NHNN đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động, chỉ thị triển khai, đặc biệt là rà soát và chỉnh sửa hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong mọi mặt hoạt động ngân hàng; cung ứng dịch vụ ngân hàng an toàn, tiện lợi, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp cụ thể như:
 

Thứ nhất, NHNN đã tích cực nghiên cứu, rà soát đề xuất sửa đổi, bổ sung các vấn đề cần được Luật hóa để phù hợp với thực tiễn hoạt động chuyển đổi số ngành Ngân hàng như: Luật Phòng, chống rửa tiền đã được Quốc hội thông qua; đề xuất sửa đổi Luật Các TCTD, Luật NHNN; phối hợp tham gia ý kiến xây dựng văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động chuyển đổi số như: Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), dự thảo Luật An ninh mạng, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, dự thảo Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, Nghị định định danh và xác thực điện tử (đã được ban hành)4
 

Thứ hai, NHNN đã ban hành và tổ chức triển khai các đề án, chương trình, kế hoạch nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng như: Chỉ thị về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng5; Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 20306; Kế hoạch Chuyển đổi số của NHNN năm 20227; Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 20228; Kế hoạch của ngành Ngân hàng phối hợp với Bộ Thông tin và  Truyền thông triển khai Đề án xác định chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số; Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2022 – 20259.
 

Thứ ba, tiếp nối các Thông tư hướng dẫn mở tài khoản, phát hành thẻ10 bằng phương thức điện tử (eKYC) làm nền cho chuyển đổi số đã được ban hành trong các năm trước, năm 2022 NHNN đã ban hành Thông tư số 11/2022/TT-NHNN về nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng của các TCTD11, trong đó, việc bổ sung quy định về hoạt động bảo lãnh điện tử góp phần hoàn thiện khung pháp lý cho việc chuyển đổi số nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng, phù hợp với thực tế và pháp luật liên quan về giao dịch điện tử, tạo thuận lợi cho các TCTD trong quá trình chuyển đổi số ngành Ngân hàng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng dịch vụ ngân hàng; đồng thời, NHNN cũng đang rà soát, sửa đổi Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng nhằm bổ sung cơ sở pháp lý đối với hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử. Hiện nay, NHNN đang tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để trình Chính phủ ban hành Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) và Nghị định về Cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng nhằm tạo thuận lợi cho sự phát triển của Fintech trong lĩnh vực ngân hàng theo hướng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào hoạt động ngân hàng. 

 

3. Phát triển hạ tầng công nghệ, chia sẻ dữ liệu
 

Điều quan trọng tiếp theo mang tính nền tảng cho quá trình chuyển đổi số ngân hàng đó chính là phát triển hạ tầng công nghệ. 
 

Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH), hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử… thường xuyên được đầu tư, nâng cấp về năng lực xử lý, về đảm bảo an ninh, an toàn, bổ sung tiện ích dịch vụ theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng dịch vụ, phục vụ tốt hơn nhu cầu của các ngân hàng thành viên trong xu thế số hóa dịch vụ sâu rộng. Các ngân hàng, trung gian thanh toán được kết nối liên thông với thời gian xử lý giao dịch tính bằng giây. Trong năm 2022, trung bình một ngày có khoảng hơn 624 nghìn món với giá trị khoảng 780 nghìn tỷ đồng qua hệ thống TTĐTLNH và có khoảng 11,7 triệu món với giá trị 115,86 nghìn tỷ đồng qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử. Ngành Ngân hàng đặt mục tiêu xây dựng hệ sinh thái tích hợp toàn bộ hệ thống, hướng tới kết nối liên thông toàn bộ các bộ, ngành.
 

Hạ tầng thông tin tín dụng đạt được những bước phát triển rõ rệt với độ phủ thông tin ngày càng mở rộng, nâng cao cả về số lượng và chất lượng thông tin. Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia (CIC) đã chủ động xây dựng và ban hành các quy trình nghiệp vụ mới để nâng cao khả năng xử lý, cập nhật dữ liệu tự động; thực hiện thu thập và cập nhật dữ liệu trong Ngành; mở rộng thu thập thông tin từ các bộ, ngành và khoảng 50 tổ chức tự nguyện tham gia hoạt động thông tin tín dụng; mở rộng thu thập dữ liệu từ các tổ chức bán lẻ để nâng cao điểm chiều sâu thông tin tín dụng và mở rộng độ phủ thông tin; nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đổi mới phương thức cung cấp thông tin để cung cấp dịch vụ thông tin tín dụng với chất lượng cao cho các TCTD. NHNN đã phối hợp với Bộ Công an ký thỏa thuận xác thực 51 triệu dữ liệu thông tin tín dụng khách hàng để làm sạch dữ liệu. Đây là cơ sở quan trọng để làm lành mạnh thông tin tín dụng, tài chính của NHNN và các tổ chức tín dụng đang hoạt động tránh việc lừa đảo, tội phạm hoạt động trong lĩnh vực này.
 

Triển khai thực hiện Đề án 0612, NHNN đã hoàn thành xây dựng, kiểm thử tích hợp thành công phần mềm dịch vụ công kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua Trục liên thông văn bản quốc gia (VDXP). Hệ thống dịch vụ công của NHNN đã được Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá an toàn thông tin đáp ứng theo các yêu cầu và đã được kết nối chính thức từ ngày 23/12/2022. NHNN cũng đã bước đầu phối hợp triển khai kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố; đến nay, NHNN đã thông kết nối kỹ thuật trên môi trường thử nghiệm với 04 dịch vụ (dịch vụ xác thực công dân; dịch vụ xác nhận thông tin hộ gia đình; dịch vụ tra cứu thông tin công dân; dịch vụ gợi ý số định danh cá nhân từ số chứng minh nhân dân) do Bộ Công an cung cấp và đang làm thủ tục đề nghị kiểm tra, đánh giá an toàn hệ thống trước khi kết nối chính thức. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng đã phối hợp với Bộ Công an (C06) thử nghiệm thành công một số giải pháp ứng dụng xác thực người dân qua thẻ căn cước công dân gắn chíp trong một số nghiệp vụ ngân hàng như: (i) Xác thực, định danh khách hàng tại quầy giao dịch; (ii) Xác thực, định danh khách hàng từ xa qua mạng Internet (eKYC) để mở tài khoản, thực hiện các giao dịch ngân hàng điện tử, ngân hàng số; (iii) Xác thực, định danh khách hàng giao dịch tại ATM, thay thế thẻ ATM do ngân hàng phát hành… Các ngân hàng cũng đang phối hợp với C06 nghiên cứu triển khai phương án kết nối khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Ứng dụng định danh điện tử (VneID) để xác minh khách hàng, làm sạch dữ liệu và hỗ trợ đánh giá khách hàng trong dịch vụ cấp tín dụng đối với các khoản vay cá nhân nhỏ lẻ.

 

4. Phát triển các mô hình, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số
 

Sau đại dịch Covid-19 vừa qua, năm 2022 có thể coi là một năm bùng nổ sản phẩm, dịch vụ số trong quá trình tăng tốc chuyển đổi số của hệ thống TCTD với việc phát triển các mô hình, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số để đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của khách hàng và và xu thế số hóa, tích hợp dịch vụ mạnh mẽ trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.
 

Trước hết, ứng dụng tự động hóa và thông minh hóa đã mang đến những thay đổi mạnh mẽ trong quy trình nghiệp vụ, hướng tới tối ưu hóa chi phí, rút ngắn thời gian xử lý, cá nhân hóa dịch vụ đến từng khách hàng. Các TCTD đã ứng dụng các công nghệ số tiên tiến như điện toán đám mây (Cloud Computing), phân tích dữ liệu lớn (Big Data), tự động hóa quy trình bằng rô-bốt (RPA), trí tuệ nhân tạo/máy học (AI/ML)… trong việc đánh giá, phân loại khách hàng, quyết định giải ngân và tích hợp với nhiều hệ sinh thái đối tác khác nhau trong nhiều lĩnh vực, từ đó giúp đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm giao dịch khách hàng. Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100% (tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền, quản lý nhân sự, kế toán – tài chính…); nhiều ngân hàng đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; nhiều TCTD có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang chuyển đổi số nỗ lực hướng tới. 
 

Thứ hai, các TCTD tập trung chuyển đổi số các hoạt động kinh doanh truyền thống cùng với việc có thêm nhiều kênh tương tác đã đem lại các sản phẩm, dịch vụ mới, tiện ích và hoàn toàn khác biệt so với trước đây như: Phát triển tính năng nộp/rút tiền trên máy giao dịch tự động; nộp/rút tiền mặt bằng căn cước công dân gắn chíp; giải ngân trực tuyến dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; thanh toán quốc tế trực tuyến ngay tại đầu khách hàng; mở thẻ tín dụng qua tương tác giao dịch với rô-bốt, thanh toán chạm bằng điện thoại thông minh (Tap to pay), thanh toán phi tiếp xúc, thanh toán bằng giọng nói, khuôn mặt… Hiện nay, ứng dụng Mobile Banking, Ví điện tử của nhiều TCTD, tổ chức trung gian thanh toán đã cho phép khách hàng tiếp cận, sử dụng đầy đủ các tiện ích, dịch vụ ngân hàng như chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, đóng bảo hiểm, vay thấu chi, vay tiêu dùng… và cả những dịch vụ ngoài ngân hàng (beyond banking) như giao hàng, đặt xe, đặt tour, đặt vé… mọi lúc, mọi nơi ngay trên điện thoại di động thông minh của cá nhân. 
 

Đến tháng 10/2022, có 82 TCTD triển khai thanh toán qua Internet và 51 TCTD triển khai thanh toán qua Mobile. Trong 10 tháng đầu năm 2022, so với cùng kỳ năm 2021, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt vẫn chứng kiến tốc độ tăng trưởng cao, tăng 87% về số lượng và 34% về giá trị; qua Internet tăng 86,9% về số lượng và 40,4% về giá trị; đáng lưu ý là tăng cao đối với giao dịch qua điện thoại di động (tăng 115,9% về số lượng và 97,2% về giá trị) và qua QR Code (tăng 169,4% về số lượng và 204,7% về giá trị). Triển khai quy định về mở tài khoản thanh toán và phát hành thẻ bằng eKYC, đến nay, đã có khoảng 18,8 triệu tài khoản và thẻ được mở bằng eKYC.

 

5. Đảm bảo an toàn, an ninh mạng, bảo mật thông tin khách hàng
 

Chuyển đổi số cần phải luôn đi liền với đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng, qua đó đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng, giúp tạo lập niềm tin và sự gắn bó của khách hàng đối với các sản phẩm, dịch vụ số. Tại Chiến lược phát triển công nghệ thông tin ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 203013, nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin được xác định là một trong những trụ cột chính của phát triển công nghệ ngành Ngân hàng.
 

NHNN đã và đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong ngành Ngân hàng triển khai đồng bộ 05 nhóm giải pháp nhằm đảm bảo an toàn, an ninh mạng hệ thống thông tin ngành Ngân hàng và bảo mật dữ liệu khách hàng, cụ thể: 
 

(i) Rà soát, ban hành các văn bản pháp luật, văn bản chỉ đạo; kiểm tra công tác bảo đảm an toàn hệ thống thông tin và phòng, chống tội phạm mạng tại các TCTD; thường xuyên theo dõi, giám sát hạ tầng công nghệ thông tin, các hệ thống thanh toán quan trọng; (ii) Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về an toàn thông tin cho người dân khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử, ứng dụng ngân hàng số, thanh toán số; (iii) Triển khai các giải pháp kỹ thuật tăng cường bảo đảm an toàn thông tin; (iv) Nâng cao hiệu quả hoạt động của Mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin ngành Ngân hàng; (v) Phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tội phạm công nghệ cao, xử lý nhiều vụ việc gian lận, lừa đảo trong hoạt động ngân hàng.
 

Năm 2020 – 2021, NHNN được xếp hạng A về an toàn thông tin theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông và năm 2022, NHNN tiếp tục được Bộ Thông tin và Truyền thông xếp thứ nhất về an toàn thông tin. Về phía các TCTD, các hệ thống thông tin ứng dụng nghiệp vụ được đảm bảo an toàn, hoạt động liên tục, phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá xếp hạng cao nhất trong các ngành về mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin và bảo đảm an toàn thông tin.

 

6. Những vấn đề đặt ra và định hướng trong thời gian tới
 

Được nhìn nhận tiên phong trong chuyển đổi số, bằng những nỗ lực không ngừng, cố gắng bền bỉ trong suốt thời gian qua, ngành Ngân hàng đã đạt được những thành công hết sức ấn tượng về chuyển đổi số. Điều này được thể hiện qua những con số tăng trưởng đáng ghi nhận về giao dịch, người dùng và những dịch vụ thanh toán, ngân hàng số đã trở thành một phần quen thuộc trong cuộc sống của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, để giữ vững và tiếp tục đạt thêm nhiều kết quả, chuyển đổi số ngân hàng vẫn còn nhiều thách thức như: (i) Các quy định pháp lý hiện hành về giao dịch điện tử, chữ ký điện tử, chứng từ điện tử, việc chia sẻ dữ liệu và bảo mật thông tin khách hàng… còn cần phải rà soát, điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh mới; (ii) Chưa có sự đồng bộ và chuẩn hóa của cơ sở hạ tầng giữa các ngành, lĩnh vực để tạo điều kiện thuận tiện nhất cho việc kết nối, tích hợp tạo lập hệ sinh thái số; (iii) Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, có kinh nghiệm, có kiến thức về nghiệp vụ và công nghệ phục vụ chuyển đổi số; (iv) Xu hướng gia tăng tội phạm công nghệ với những thủ đoạn mới ngày càng tinh vi, khó lường, gia tăng rủi ro an ninh mạng và vẫn còn một bộ phận người dân có tâm lý e ngại khi tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thanh toán trên nền tảng số.
 

Để giải quyết những thách thức nêu trên và bám sát định hướng, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ; phát huy những kết quả đã đạt được và tiếp tục tinh thần thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ, lấy khách hàng làm trọng tâm và nâng cao trải nghiệm cho khách hàng làm mục tiêu chính, năm 2023 và thời gian tới, ngành Ngân hàng cần tập trung triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể như sau:
 

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số ngân hàng; rà soát, sửa đổi các quy định pháp lý về hoạt động cho vay bằng phương thức điện tử, về đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng điện tử…
 

Thứ hai, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ, đem đến những kết quả cụ thể về ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong các sản phẩm, dịch vụ của ngành Ngân hàng trong năm 2023.
 

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện hạ tầng công nghệ phục vụ chuyển đổi số, tăng cường kết nối, hợp tác với các ngành, lĩnh vực nhằm tạo dựng hệ sinh thái số, để cung ứng các dịch vụ ngân hàng an toàn, thuận tiện, tích hợp sâu vào hành trình thường nhật của khách hàng. 
 

Thứ tư, đơn giản hóa và tối ưu quy trình, nghiệp vụ đem đến trải nghiệm khách hàng vượt trội, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để phát triển, cung ứng sản phẩm, dịch vụ an toàn, tiện ích gắn với đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống công nghệ thông tin, dịch vụ ngân hàng số, thanh toán số.
 

Thứ năm, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, triển khai các chương trình giáo dục tài chính nhằm tăng cường kiến thức, kỹ năng giao dịch, quản lý tài chính của người dân, khách hàng trong quá trình sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên kênh số một cách an toàn, hiệu quả.
 

Thực hiện các giải pháp đồng bộ nêu trên, hoàn toàn có thể tin tưởng năm 2023 sẽ tiếp tục là một năm có nhiều bứt phá, thành tựu đối với công cuộc chuyển đổi số ngân hàng. Toàn hệ thống sẽ phát huy các kết quả đạt được, vượt qua khó khăn, thách thức, giữ vững ngọn cờ tiên phong trong chuyển đổi số, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

 

1 Tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 và Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Ngân hàng được xác định là lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí và cần ưu tiên chuyển đổi số trước.
2 Gameshow “Tiền khéo, tiền khôn” (VTV3), chuyên mục “Đồng tiền thông thái”, “Tay hòm chìa khóa” (VTV1), cuộc thi “Hiểu đúng về tiền”. Phối hợp triển khai truyền thông các sự kiện liên quan đến chuyển đổi số ngành Ngân hàng như chuỗi sự kiện “Ngày không tiền mặt” 16/6 hằng năm với chủ đề năm 2021: “Tiến đến quốc gia không tiền mặt”, “Ngày thẻ Việt Nam”, “Ngày Nông dân không tiền mặt”… 
3 Nhiều phóng sự được phát sóng trên VTV1, VTV24 và các tin, bài trên nhiều báo như Thanh niên, Tuổi trẻ, Cafef, Lao Động, Dân Việt, Dân trí.
4 Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 của Chính phủ Quy định về định danh và xác thực điện tử.
5 Chị thị số 02/CT-NHNN ngày 13/01/2022 của Thống đốc NHNN về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng.
6 Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021.
7 Quyết định số 1097/QĐ-NHNN ngày 28/6/2022.
8 Quyết định số 1244/QĐ-BCĐ ngày 20/7/2022
9 Quyết định số 1887/QĐ-NHNN ngày 03/11/2022.
10 Thông tư số 16/2020/TT-NHNN ngày 04/12/2020;

Thông tư số 17/2021/TT-NHNN ngày 16/11/2021.

11 Thông tư số 11/2022/TT-NHNN ngày 30/9/2022. 
12 Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030. 
13 Quyết định số 2655/QĐ-NHNN ngày 26/12/2019 của Thống đốc NHNN Phê duyệt “Chiến lược phát triển công nghệ thông tin ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Bài Viết Mới Nhất

Đáng Xem

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here