17 C
Vietnam
spot_img
HomeCông NghệNăm 2022: Chuyển đổi số ngành Ngân hàng góp phần hiện thực...

Năm 2022: Chuyển đổi số ngành Ngân hàng góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chuyển đổi số quốc gia

Năm 2022: Chuyển đổi số ngành Ngân hàng góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chuyển đổi số quốc gia

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã không ngừng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thanh toán số, ngân hàng số. Các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng đẩy mạnh tích hợp kết nối sản phẩm, dịch vụ, nền tảng với các ngành, lĩnh vực khác để thiết lập hệ sinh thái số và cung ứng sản phẩm, dịch vụ với trải nghiệm liền mạch, xuyên suốt cho khách hàng. Năm 2022, lĩnh vực thanh toán và công nghệ ngân hàng tiếp tục bứt tốc với nhiều kết quả ấn tượng, mang lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.
 

Xây dựng cơ chế, chính sách, khung pháp lý tạo thuận lợi cho chuyển đổi số
 

Ngay đầu năm 2022, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh chuyển đổi số và đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng. Trong năm 2022, NHNN đã ban hành Kế hoạch triển khai các đề án, chương trình nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng như: Kế hoạch chuyển đổi số của NHNN năm 20221; Kế hoạch của NHNN triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 20302; Kế hoạch ngành Ngân hàng triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 20303; Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 20224; Kế hoạch của ngành Ngân hàng phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai Đề án xác định chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số5; Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2022 – 20256. Đồng thời, rà soát xây dựng và hướng dẫn triển khai các quy định pháp lý nhằm phát triển thanh toán và thúc đẩy chuyển đổi số.
 

Bên cạnh đó, NHNN đã hoàn thiện, trình Chính phủ dự thảo Nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), trong đó đề xuất nhiều chính sách mới về TTKDTM thích ứng với bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). NHNN cũng tập trung xây dựng các thông tư hướng dẫn; hoàn thiện, trình Chính phủ dự thảo Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện cho các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, ứng dụng khoa học, công nghệ trên cơ sở tận dụng thành tựu của CMCN 4.0. Trước đó, năm 2021, NHNN đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 09/3/2021 phê duyệt Đề án thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ. Đồng thời, NHNN cũng phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia căn cứ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021 – 2025 (Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ).
 

Chuẩn hóa cơ sở hạ tầng, tăng cường tính kết nối, tích hợp tạo lập hệ sinh thái số 
 

Các hạ tầng dùng chung như Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử (ACH), Hệ thống thông tin tín dụng quốc gia liên tục được đầu tư, nâng cấp theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế để tăng khả năng liên thông, kết nối, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành Ngân hàng, cũng như các lĩnh vực khác trong bối cảnh mới. 
 

Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ngành Ngân hàng, NHNN đã chỉ đạo toàn Ngành nâng cấp hạ tầng công nghệ, quy trình cung ứng sản phẩm, dịch vụ trên kênh số phục vụ cho việc kết nối, tích hợp với các ngành, lĩnh vực khác để cung ứng sản phẩm, dịch vụ tới khách hàng. 
 

NHNN cũng đang phối hợp các đơn vị liên quan của Bộ Công an trong việc triển khai, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD), tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được kết nối, khai thác thông tin, dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC), Cơ sở dữ liệu Căn cước công dân (CCCD) để phục vụ công tác xác minh thông tin nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử. 
 

Triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06) của Chính phủ, Thống đốc NHNN đã ban hành Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Đề án 06 và thành lập Tổ Công tác của ngành Ngân hàng triển khai Đề án 06 do một Phó Thống đốc làm Tổ trưởng Tổ công tác. Việc kết nối CSDLQGvDC cũng phục vụ dịch vụ công và các nghiệp vụ của NHNN (như nghiệp vụ thông tin tín dụng; phòng, chống rửa tiền). Các NHTM như NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), NHTM cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), NHTM cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank)… đã phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) – Bộ Công an triển khai thử nghiệm giải pháp ứng dụng xác thực người dân qua thẻ CCCD gắn chíp trong một số nghiệp vụ của NHTM như: (i) Xác thực, định danh khách hàng tại quầy giao dịch; (ii) Xác thực, định danh khách hàng từ xa qua mạng Internet (eKYC) để mở tài khoản, thực hiện các giao dịch ngân hàng điện tử, ngân hàng số; (iii) Xác thực, định danh khách hàng giao dịch nộp, rút tiền tại ATM và bước đầu đã cung cấp dịch vụ thử nghiệm tại một số chi nhánh trên địa bàn Hà Nội, Quảng Ninh từ tháng 5/2022.
 

Trong quá trình số hóa, các TCTD, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã và đang xây dựng, triển khai kế hoạch, chiến lược chuyển đổi số phù hợp định hướng phát triển và nguồn lực, khả năng của đơn vị, trong đó chú trọng việc phát triển, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ đổi mới, an toàn, tiện ích, phù hợp theo hướng lấy khách hàng làm trung tâm, tăng cường trải nghiệm khách hàng. Đồng thời, các NHTM cũng đẩy mạnh tích hợp kết nối sản phẩm, dịch vụ, nền tảng với các ngành, lĩnh vực khác để thiết lập hệ sinh thái số và cung ứng sản phẩm, dịch vụ với trải nghiệm liền mạch, xuyên suốt cho khách hàng, trong đó chú trọng đến các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, hành chính công…
 

Hiện nay, các ngân hàng tại Việt Nam khá “mở” trong chia sẻ dữ liệu với Fintech và nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ khác như điện, nước, viễn thông… thông qua các cổng API (giao diện lập trình ứng dụng). Có thể hình dung, người dùng Fintech thông qua ứng dụng yêu cầu truy cập dữ liệu ngân hàng, sau khi xác thực, ngân hàng đồng ý cho người dùng truy cập, xác thực tài khoản và thực hiện các dịch vụ thanh toán. Thực tế đã có rất nhiều ngân hàng đang ứng dụng công nghệ ngân hàng mở. Có thể kể một số cái tên như VietinBank, NHTM cổ phần Phương Đông (OCB), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), NHTM cổ phần Bắc Á, BIDV, NHTM cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Vietcombank… đều đã có những bước đi tiên phong trong việc ứng dụng API. Cụ thể, VietinBank đã có hơn 127 API được cung cấp trên thị trường với hơn 73 đối tác (nền tảng iConnect); OCB đã triển khai hơn 30 API mở; BIDV triển khai nền tảng BIDV Paygate; ứng dụng ngân hàng số Timo kết hợp với VPBank, NHTM cổ phần Bản Việt…
 

Số hóa ngân hàng diễn ra mạnh mẽ cùng sự bùng nổ TTKDTM
 

Về phía NHNN: Đến nay, NHNN đã triển khai 62/373 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 và đang thực hiện nâng cấp 25 thủ tục hành chính lên dịch vụ công cấp độ 3, 4. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới và ứng dụng các công nghệ hiện đại, tăng cường tích hợp công nghệ thông tin trong quy trình quản lý và quản trị của NHNN; từng bước ứng dụng các công nghệ của cuộc CMCN 4.0 theo hướng tự động hóa việc giám sát, vận hành, xử lý, dự đoán các phát sinh với các hệ thống thông tin; hoàn thiện nền tảng Chính phủ điện tử/Chính phủ số tại NHNN nhằm đáp ứng yêu cầu xử lý thủ tục hành chính, dịch vụ công và kết nối với Hệ thống dịch vụ công quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ.
 

Theo báo cáo đánh giá chỉ số chuyển đổi số (DTI) của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của Bộ Thông tin và Truyền thông, NHNN được xếp vị trí thứ 1 về chỉ số xếp hạng an toàn thông tin mạng, thứ 2 về chỉ số thể chế số và xếp thứ 4 về chỉ số hoạt động chuyển đổi số.
 

Về phía các TCTD: Đến nay, hầu hết các TCTD đã, đang tích cực ứng dụng các công nghệ của CMCN 4.0 hoặc hợp tác với công ty Fintech nhằm tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm giao dịch khách hàng. Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn (100%), nhiều ngân hàng đã ghi nhận tỷ lệ hơn 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số. Các ngân hàng đã ứng dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML), dữ liệu lớn (Big Data) trong đánh giá, phân loại khách hàng và quyết định giải ngân… giúp đơn giản hóa quy trình thủ tục và rút thời gian giải ngân, cho vay. Ngoài ra, các TCTD cũng chú trọng thiết lập quan hệ đối tác, hợp tác kinh doanh, mở rộng hệ sinh thái số các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng và ngoài ngân hàng nhằm thu hút, giữ chân khách hàng, tích hợp sâu dịch vụ ngân hàng vào hành trình số thường nhật của khách hàng. Bên cạnh đó, các ngân hàng đã nghiên cứu, ứng dụng nhiều công nghệ mới, hiện đại, an toàn, tiện lợi (ứng dụng Tokenization, thanh toán di động, sử dụng mã QR Code, eKYC…) trong hoạt động thanh toán. Đến hết tháng 6/2022, có 5,6 triệu tài khoản và 8,9 triệu thẻ mở bằng phương thức này đang hoạt động. Đến tháng 7/2022, có 82 TCTD triển khai thanh toán qua Internet và 51 TCTD triển khai thanh toán qua Mobile, hơn 100.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code. NHNN đã cấp phép cho 48 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
 

TTKDTM trong 10 tháng đầu năm 2022 đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021. Theo Vụ Thanh toán – NHNN, giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng trên 4,60% về số lượng và tăng trên 33,06% về giá trị; qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 99,79% về số lượng và 106,09% về giá trị; giao dịch TTKDTM tăng 87% về số lượng và 34% về giá trị; qua kênh Internet tăng tương ứng 86,9% và 40,4%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 115,9% và 97,2%; qua phương thức QR Code tăng tương ứng 169,4 và 204,7%.
 

Hoạt động thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng tiếp tục được đẩy mạnh. NHNN tiếp tục phối hợp các bộ, ngành, cơ quan liên quan triển khai nhiều chính sách thúc đẩy TTKDTM đối với dịch vụ công, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, giáo dục, đồng thời đẩy mạnh triển khai kết nối, tích hợp thanh toán trên Cổng dịch vụ công quốc gia; chỉ đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố về việc phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành trên địa bàn triển khai các giải pháp thúc đẩy TTKDTM theo Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025, trong đó tập trung vào các giải pháp thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công, lĩnh vực y tế, giáo dục, điện, nước…; chỉ đạo các NHTM, tổ chức trung gian thanh toán, doanh nghiệp thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile-Money về việc hỗ trợ triển khai thanh toán trực tuyến lệ phí đăng ký xét tuyển đại học.
 

Bên cạnh đó, thời gian qua, NHNN đã phối hợp tích cực với Bộ Công an, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nghiên cứu, tham gia ý kiến đối với việc tạo lập tài khoản an sinh xã hội và thúc đẩy TTKDTM đối với hoạt động chi trả trợ cấp, an sinh xã hội.
 

Một số khó khăn, vướng mắc
 

Năm 2022, trong lĩnh vực thanh toán, công nghệ ngân hàng bên cạnh những thành tựu cũng có những thách thức, khó khăn nhất định. Trong đó, việc chia sẻ dữ liệu với ngân hàng vẫn khá rủi ro vì chưa có hành lang pháp lý liên quan đến vấn đề này. Hơn nữa, vấn đề an ninh, bảo mật cũng là thách thức với các ngân hàng. Tội phạm ngày càng gia tăng và diễn biến tinh vi. Nhiều đối tượng lắp đặt thiết bị để đánh cắp thông tin khách hàng từ ATM, sử dụng thông tin khách hàng để chiếm đoạt, thanh toán khống dịch vụ hàng hóa qua POS; giả mạo tin nhắn của ngân hàng, lập giả mạo các web của ngân hàng, gửi link đánh cắp thông tin…
 

Ngoài ra, trong quá trình phối hợp triển khai kết nối giữa các ngành, lĩnh vực để thiết lập hệ sinh thái số cho thấy một số thách thức như: (i) Hệ thống, quy trình của một số ngành, lĩnh vực chưa sẵn sàng để tích hợp kết nối với hạ tầng ngành Ngân hàng cũng như ứng dụng các hình thức thanh toán mới, hiện đại; dữ liệu chưa được chuẩn hóa, chưa có cơ sở dữ liệu tập trung… dẫn đến khó khăn trong việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị với ngân hàng; (ii) Khó khăn, thách thức trong việc đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật dữ liệu khách hàng.
 

Về phía khách hàng, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt, ngại sử dụng các dịch vụ ngân hàng số, trong đó có sự e ngại về vấn đề bảo mật. Người dân khu vực vùng sâu, vùng xa, nông thôn chưa có điều kiện hoặc chưa được tiếp cận thông tin đầy đủ nên chưa hiểu và chưa biết đến những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên môi trường điện tử. 
 

Một số giải pháp, khuyến nghị
 

Thời gian tới, để hướng tới các mục tiêu của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về kinh tế số, xã hội số giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030 cần tiếp tục các giải pháp sau:
 

Đối với NHNN: Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số ngân hàng; tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số trong NHNN.
 

Đồng thời, NHNN tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp thúc đẩy TTKDTM tại Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021 – 2025: Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về TTKDTM, trong đó tập trung nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện dự thảo các thông tư hướng dẫn khi Nghị định về TTKDTM được Chính phủ ban hành.
 

NHNN cần tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong ngành Ngân hàng triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp nhằm đảm bảo an ninh, an toàn thông tin ngân hàng, bảo mật dữ liệu khách hàng.
 

NHNN tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Công an trong việc triển khai, tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán kết nối, khai thác CSDLQGVDC để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của ngành Ngân hàng. Phối hợp với các cơ quan chức năng như: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Trung tâm Internet Việt Nam… trong công tác phòng, chống tội phạm công nghệ cao; hỗ trợ đào tạo chuyên gia an toàn thông tin; điều tra, cung cấp thông tin truy bắt tội phạm sử dụng công nghệ cao liên quan đến ngành Ngân hàng. Tiếp tục phối hợp với Bộ Công an góp ý, hoàn thiện các văn bản pháp lý như dự thảo Nghị định định danh và xác thực điện tử, Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, các dự thảo Thông tư hướng dẫn kết nối, chia sẻ với CSDLQGVDC và triển khai thí điểm các giải pháp kết nối, khai thác CSDLQGVDC phục vụ hoạt động ngân hàng; trình cấp có thẩm quyền cho phép các TCTD kết nối, khai thác CSDLQGVDC để làm sạch cơ sở dữ liệu khách hàng của các TCTD…
 

Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục chỉ đạo nâng cấp, hoàn thiện, phát triển hạ tầng chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử (ACH); mở rộng triển khai hệ thống ACH tại Việt Nam theo hướng mở rộng sản phẩm, dịch vụ và mở rộng kết nối các ngân hàng, các đơn vị cung cấp dịch vụ công; xây dựng, hoàn thiện nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu của NHNN làm nền tảng triển khai Chính phủ điện tử của NHNN, kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin có quy mô từ Trung ương tới địa phương của Chính phủ, các bộ, ngành khác thông qua nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu của Chính phủ…
 

Đối với các TCTD: (i) Tiếp tục triển khai Kế hoạch/Chiến lược chuyển đổi số; chủ động nghiên cứu và triển khai các giải pháp, công nghệ số trong quản trị rủi ro, tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ, phát triển, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ đổi mới, an toàn, tiện ích, lấy khách hàng làm trung tâm và tăng cường trải nghiệm khách hàng; (ii) Đẩy mạnh tích hợp, kết nối sản phẩm, dịch vụ, nền tảng với các ngành, lĩnh vực khác để thiết lập hệ sinh thái số và cung ứng sản phẩm, dịch vụ với trải nghiệm liền mạch, xuyên suốt cho khách hàng (chú trọng đến các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, hành chính công…); (iii) Đảm bảo an toàn thông tin và an ninh mạng trong ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng. Áp dụng các giải pháp, tiêu chuẩn theo thông lệ quốc tế…; (iv) Phát triển nguồn nhân lực, trong đó triển khai các chương trình đào tạo và đào tạo lại kỹ năng, kiến thức gắn với chuyển đổi số cho cán bộ, nhân viên ngành Ngân hàng; có chính sách ưu đãi, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao có kiến thức, trình độ về công nghệ thông tin và kỹ năng về chuyển đổi số; (v) Thúc đẩy hợp tác, áp dụng kinh nghiệm quốc tế và thu hút lực lượng chuyên gia từ nước ngoài có kinh nghiệm triển khai tham gia đào tạo; tham gia mạng lưới chuyên gia về chuyển đổi số của Ngành; (vi) Tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức về an toàn thông tin cho toàn thể cán bộ ngành Ngân hàng và khách hàng của ngành Ngân hàng khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử và cảnh báo về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm mạng.

1 Quyết định số 1097/QĐ-NHNN ngày 28/6/2022 của Thống đốc NHNN về Kế hoạch chuyển đổi số năm 2022.
2 Quyết định số 171/QĐ-NHNN ngày 18/02/2022 của Thống đốc NHNN ban hành Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia.
3 Quyết định số 1033/QĐ-NHNN ngày 15/6/2022 của Thống đốc NHNN về Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
4 Quyết định số 1244/QĐ-BCĐ ngày 20/7/2022 của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số ngành Ngân hàng ban hành kế hoạch hoạt động năm 2022.
5 Quyết định số 1601/QĐ-NHNN ngày 21/9/2022 của Thống đốc NHNN ban hành Kế hoạch của ngành Ngân hàng phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai Đề án xác định chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.
6 Quyết định số 1887/QĐ-NHNN ngày 03/11/2022 của Thống đốc NHNN phê duyệt Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Tài liệu tham khảo:
 

1. https://chinhphu.vn

2. https://sbv.gov.vn

3. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

4. Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

5. Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Thanh Thúy

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Bài Viết Mới Nhất

Đáng Xem

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here