Clip: Truyền hình Quốc hội
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển và Phó Đại sứ Vương quốc Anh và Bắc Ai len tại Việt Nam Marcus Winsley đồng chủ trì với sự tham gia của các chuyên gia của Ủy ban Giám sát tài chính Vương quốc Anh và các chuyên gia Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, các công nghệ mới đang phát triển nhanh chóng và được ứng dụng ngày càng sâu rộng trong mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội. Dưới góc độ pháp lý, việc ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ mới có tác động đến các yếu tố không gian, thời gian, chủ thể, các mối quan hệ, nội dung về pháp luật.
Nhấn mạnh vướng mắc, rào cản trong chính sách pháp luật hiện hành thường có độ trễ nhất định so với thực tiễn khi ứng dụng công nghệ mới, triển khai sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, các nhà hoạch định chính sách đã nhận ra vướng mắc này và có cách ứng xử khác nhau.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy. Ảnh: Quochoi.vn |
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đa số nhà hoạch định chính sách lựa chọn mô hình thử nghiệm học hỏi và tạo điều kiện thuận lợi nhất để khuyến khích đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế; Hỗ trợ hoạt động quản lý nhà nước để cơ quan quản lý nhà nước từng bước nhận diện ra những cách thức quản lý chưa được dự liệu vì đây là mô hình hết sức mới mẻ, từ trước đến giờ chưa hề có, từ đó tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý trong bối cảnh mới,.. “Một trong những mô hình đó là cơ chế thử nghiệm có kiểm soát” – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết thêm, ở nước ta, Nghị quyết số 52 – NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đều đặt ra nhiệm vụ: nghiên cứu xây dựng ban hành cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để khuyến khích phát triển khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, phát triển sản phẩm dịch vụ, mô hình kinh doanh mới.
Trên thực tế một số công nghệ, sản phẩm, mô hình kinh doanh đã hiện hữu trong đời sống. Một số bộ, ngành đã tham mưu, xây dựng ban hành một số pháp luật như: Quyết định số 24/QĐ – BGTVT ngày 07/01/2016 của Bộ Giao thông – Vận tải ban hành kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng; Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị định 10/2019/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. “Đây đều là những cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Từ thử nghiệm mới quyết định ứng xử như thế nào, phạm vi điều chỉnh đến đâu, bởi lẽ cái mới không thể lường hết rủi ro, mặt trái,…” Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường lưu ý.
Tại hội thảo, các chuyên gia của Ủy ban Giám sát tài chính Vương quốc Anh đã chia sẻ kinh nghiệm của Vương quốc Anh trong việc thí điểm thể chế trong lĩnh vực công nghệ tài chính và nuôi dưỡng hệ sinh thái công nghệ tài chính, kinh nghiệm của Vương quốc Anh ứng dụng đổi mới trong lĩnh vực hành chính nhà nước trong kỷ nguyên số.
Bên cạnh đó, các chuyên gia Việt Nam cũng đã đưa ra những nhận định, đánh giá thực tiễn về việc xây dựng thể chế cho doanh nghiệp công nghệ và dịch vụ tài chính tại Việt Nam, phân tích những bài học thực tiễn của quá trình của quá trình soạn thảo “Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”, những kinh nghiệm trong xây dựng thể chế có kiểm soát của Bộ Giao thông vận tải,… Từ đó, đưa ra những khuyến nghị có liên quan đến khung khổ thể chế thí điểm có kiểm soát ở Việt Nam dựa trên kết quả rà soát khung khổ pháp lý hiện hành,…Cũng tại hội thảo, các đại biểu còn trao đổi kinh nghiệm của một số doanh nghiệp và ngân hàng tại Việt Nam trong việc triển khai các dịch vụ công nghệ mới: Techcombank, Zalo, Viettel,..
Chia sẻ kinh nghiệm của Vương quốc Anh về thí điểm thể chế trong lĩnh vực công nghệ tài chính, Ông Sujoy Sen, Chuyên gia kỹ thuật về Sandbox và kiểm soát rủi ro, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Anh cho biết, Sandbox là một cơ chế thử nghiệm pháp lý được thiết lập bởi cơ quan quản lý, trong đó cho phép các công ty khởi nghiệp Fintech và tổ chức đổi mới sáng tạo khác được thực hiện thử nghiệm trực tiếp các sản phẩm, dịch vụ Fintech trong một môi trường thực được kiểm soát và có sự giám sát của cơ quan quản lý; Fintech được hiểu chính xác là ứng dụng những cải tiến sáng tạo, thông minh của công nghệ thông tin vào trong các hoạt động dịch vụ tài chính.
Trên cơ sở phân tích cơ chế quản lý thử nghiệm, xem xét các cơ chế quản lý khác nhau và cách sử dụng hữu ích trong việc xây dựng khung pháp lý mới, các tính năng thử nghiệm của hộp cát kỹ thuật số, mạng lưới đổi mới tài chính toàn cầu và phát triển thử nghiệm xuyên biên giới, Ông Sujoy Sen đưa ra những bài học và kinh nghiệm xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát.
Các chuyên gia của Ủy ban Giám sát tài chính Vương quốc Anh cũng cho biết, cơ quan quản lý tài chính của Vương quốc Anh (FCA) là cơ quan đầu tiên trên thế giới nghiên cứu và áp dụng bài bản Sandbox như một trong những phương pháp để điều chỉnh Fintech. Để đánh giá một tổ chức có được tham gia vào Sandbox hay không, cần xét nhiều yếu tố/tiêu chí như: mang lại lợi ích cho người dùng, tính sáng tạo cao, … Đặc điểm của Sandbox tại Anh là không giới hạn lixnhv ực và đối tượng tham gia áp dụng và thử nghiệm đồng thời mục tiêu của Sandbox hướng đến là khuyến khích đổi mới vì lợi ích của người tiêu dùng và thúc đẩy cạnh tranh thông qua những giải pháp công nghệ mang tính đột phá;….
Chuyên gia của Ủy ban Giám sát tài chính Vương quốc Anh tham dự trực tuyến. Ảnh: Quochoi.vn |
Đồng tình với những chia sẻ của các chuyên gia tại Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Anh, Ths. Ngô Văn Đức, Vụ Thanh toán – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, về bản chất, Sandbox cho phép tổ chức thử nghiệm các giải pháp sáng tạo được miễn hoặc giảm bớt gánh nặng thực thi một số quy định pháp luật trong một khoảng thời gian nhất định và trong một không gian địa lý xác định với sự giám sát, hỗ trợ của cơ quan quản lý. “Cách làm này giúp các tổ chức có thể triển khai ý tưởng của mình trong thực tế khi khung khổ pháp lý, quy định quản lý chung chưa cho phép, qu đó có thể chứng minh những lợi ích về mặt kinh tế – xã hội mà công nghệ mới, giải pháp Fintech đột phá có thể mang lại. Đồng thời cũng cho phép cơ quan nhà nước kiểm nghiệm, đánh giá những khía cạnh công nghệ mới chưa được pháp luật dự liệu, để từ đó xây dựng các quy định pháp lý thích hợp,…”, Ths. Ngô Văn Đức nhấn mạnh.
Cho rằng khuôn khổ pháp lý và quản lý của Việt Nam về cơ bản mới chỉ đáp ứng được một phần cho Fintech trong lĩnh vực thanh toán, chưa có khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho các lĩnh vực khác, Ths. Ngô Văn Đức kiến nghị, việc cải cách hay xây dựng khuôn khổ pháp lý chính thức là điều hết sức quan trọng và cốt lõi để tạo lập cơ sở pháp lý cho hoạt động của Fintech về lâu dài.
TS.Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế. Ảnh: Quochoi.vn |
Phát biểu tại hội thảo, TS.Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế nêu nhận định, việc ban hành Sandbox tại Việt Nam tại thời điểm hiện nay là cần thiết và phù hợp. “Điều này xuất phát từ việc thị trường Fintech Việt Nam vẫn trong giai đoạn đầu của sự phát triển và đang có những bước tiến rõ rệt trong giai đoạn gần đây. Khi đó, việc triển khai Sandbox sẽ có đa dạng các đơn vị tham gia thực hiện. Điều này giúp các Fintech có cơ hội thử nghiệm công nghệ hay mở rộng mô hình kinh doanh của mình; đặc biệt, tạo điều kiện để cơ quan quản lý Việt Nam hiểu rõ hơn về bản chất và rủi ro mà công nghệ tài chính đem lại. Từ đó, có các cải cách pháp lý/pháp luật phù hợp và kịp thời hơn”, TS.Cấn Văn Lực lý giải.
Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm các nước và thực tế hoạt động tại Việt Nam, TS.Cấn Văn Lực đưa ra nhiều khuyến nghị về cơ chế thử nghiệm cho Fintech như: Chính phủ sớm ban hành Nghị định Cơ chế thử nghiệm hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, làm tiền đề để xây đựng các Sandbox trong các lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm,…; Xác định mục tiêu chính của Sandbox là mục tiêu thử nghiệm chính sách, hay mục tiêu tạo ra sản phẩm đổi mới vì lợi ích của người dùng; Cần lường trước chi phí khi triển khai Sandbox,…
Toàn cảnh Hội thảo quốc tế “Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát”. Ảnh: Quochoi.vn |
Tán thành với nhiều khuyến nghị của TS.Cấn Văn Lực, TS.Nguyễn Văn Cương – Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp cho rằng, đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay rất đa dạng chứ không chỉ dừng lại trong lĩnh vực Fintech. Chính vì thế, sẽ không thể có một cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đa năng cho mọi lĩnh vực. Mỗi lĩnh vực, thậm chí mỗi loại sản phẩm đổi mới sáng tạo, sẽ cần có một cơ chế kiểm soát riêng. “Để đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế cho việc áp dụng các cơ chế thử nghiệm có kiểm soát rất cần sự chia sẻ, chung tay và đồng thuận của cả Quốc hội và Chính phủ”, TS.Nguyễn Văn Cương nhấn mạnh.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển khẳng định, kết quả của hội thảo là nguồn thông tin hết sức quan trọng để Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cùng các cơ quan hữu quan, tổng hợp nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ và hoàn thiện báo cáo đề xuất liên quan đến việc nghiên cứu xây dựng, ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong thời gian tới.