Thông tin từ các ngân hàng cho biết, khi dữ liệu của khách hàng được làm sạch và chuẩn hóa, ngân hàng sẽ dọn dẹp được tài khoản rác (tài khoản mở bằng giấy tờ tùy thân giả, thuê mở tài khoản…), từ đó ngăn chặn được tình trạng lừa đảo, tạo được niềm tin của người dân về ngân hàng số và thanh toán không dùng tiền mặt.
Ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức kí, ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06). Đề án có phạm vi và tầm ảnh hưởng rộng tới đa ngành, địa phương và lĩnh vực.
Ngày 18/02/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã kí Quyết định số 171/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Đề án 06 và Quyết định số 170/QĐ-NHNN thành lập Tổ Công tác của ngành Ngân hàng triển khai Đề án 06 với hai nhóm nhiệm vụ chính: (i) Kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGvDC) phục vụ dịch vụ công và các nghiệp vụ của NHNN; (ii) Kết nối, khai thác CSDLQGvDC phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của ngành Ngân hàng.
Kết nối dữ liệu dân cư giúp ngân hàng phát triển các hoạt động nghiệp vụ
NHNN là một trong các bộ, ngành đã hoàn thành triển khai hệ thống dịch vụ công đảm bảo an toàn kết nối CSDLQGvDC; từng bước triển khai làm sạch cơ sở dữ liệu (CSDL) thông tin tín dụng khách hàng; hoàn thành thử nghiệm cung cấp một số giải pháp xác thực khách hàng điện tử qua căn cước công dân (CCCD) gắn chíp khi thực hiện giao dịch với ngân hàng… Các đơn vị trong ngành Ngân hàng đã chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai kết nối, khai thác CSDLQGvDC ứng dụng trong các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số của Ngành, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Một số đơn vị trong ngành Ngân hàng như Ngân hàng Thương mại (NHTM) cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), NHTM cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), NHTM cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank)… đã phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) – Bộ Công an triển khai thử nghiệm giải pháp ứng dụng xác thực người dân qua thẻ CCCD gắn chíp trong một số nghiệp vụ của NHTM như: Xác thực, định danh khách hàng tại quầy giao dịch; xác thực, định danh khách hàng giao dịch nộp, rút tiền tại ATM và đã bước đầu cung cấp dịch vụ thử nghiệm tại một số chi nhánh trên địa bàn Hà Nội, Quảng Ninh từ tháng 5/2022.
Bên cạnh đó, một số tổ chức tín dụng (TCTD) đã tích cực phối hợp với đơn vị chức năng Bộ Công an nghiên cứu thử nghiệm một số giải pháp để cung cấp dịch vụ trong thời gian tới như: Mở tài khoản cho công dân trên ứng dụng Mobile Banking thông qua định danh khách hàng bằng thẻ CCCD gắn chíp; kết nối tài khoản VNeID của công dân phục vụ chi trả an sinh xã hội…
Đề án 06 của Chính phủ với nội dung cho phép các đơn vị trong ngành Ngân hàng được kết nối, khai thác CSDLQGvDC, CSDL CCCD và sử dụng tài khoản định danh điện tử do Bộ Công an cung cấp, có vai trò đặc biệt quan trọng để ngành Ngân hàng ứng dụng triển khai cung cấp các dịch vụ ngân hàng số trên môi trường mạng, xác thực khách hàng chính xác, ngăn ngừa tội phạm gian lận hồ sơ giấy tờ, mở tài khoản mạo danh hoặc lừa đảo khách hàng chiếm quyền truy cập các dịch vụ ngân hàng số.
Bên cạnh đó, việc kết nối, khai thác CSDLQGvDC, CSDL CCCD còn giúp các đơn vị trong ngành Ngân hàng làm sạch CSDL khách hàng hiện có, loại bỏ các tài khoản “rác” thường được tội phạm lợi dụng để chuyển tiền bất hợp pháp. Hoạt động làm sạch dữ liệu khách hàng có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi gian lận, lừa đảo, cho thuê, mượn tài khoản ngân hàng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền, ngăn ngừa tội phạm gian lận, lừa đảo tại các tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, nguồn dữ liệu từ CSDLQGvDC (đặc biệt trong thời gian tới khi CSDLQGvDC được làm giàu thông tin từ các CSDL của các bộ, ngành) sẽ là nguồn thông tin tốt để các TCTD xác minh nhân thân khách hàng và tra cứu các thông tin để đánh giá khả năng trả nợ (như thông tin về đóng thuế thu nhập, bảo hiểm xã hội…) từ đó có thể đẩy nhanh thủ tục cho vay, góp phần giảm tín dụng đen.
Tại sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng ngày 18/5/2023, Lãnh đạo VietinBank cho hay, dữ liệu hiện tại của các ngân hàng không hoàn toàn sạch nên có nhiều điểm còn bất cập như: Với giấy tờ tùy thân là chứng minh nhân dân, giao dịch viên khó phát hiện giả mạo bằng mắt thường. Có những trường hợp kẻ gian thuê nhiều người dân thiếu hiểu biết pháp luật để mở tài khoản và sử dụng chính tài khoản đó để gian lận, phạm tội…
Chính vì vậy, CCCD gắn chíp cùng CSDLQGvDC ra đời đã mở ra cho ngân hàng một cách thức làm sạch nhanh, rộng, hiệu quả và chính xác. VietinBank cho biết, nhờ sự phối hợp với C06 – Bộ Công an và Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư, dữ liệu khách hàng tại VietinBank đang được làm sạch. Hiện nay, ngân hàng cũng phân loại tài khoản theo mức độ sạch, gắn tích xanh tài khoản, cài đặt hạn mức đối với các tài khoản nghi ngờ.
Với các tài khoản mở mới, ngân hàng sẽ kết nối dữ liệu với C06 để đối chiếu thông tin ngay từ đầu, giúp ngân hàng có được kho dữ liệu khách hàng định danh xác thực đầy đủ. Ngoài ra, ngân hàng cũng thu thập thông tin sinh trắc học để đảm bảo tính chính xác cao nhất trong quá trình đối chiếu, định danh khách hàng. Khi làm sạch dữ liệu, để đảm bảo xác thực được chính xác khách hàng, trong quá trình giao dịch sử dụng đảm bảo người giao dịch là chủ tài khoản và tránh các trường hợp thuê mướn tài khoản, thì việc thu thập và đối chiếu thông tin sinh trắc học đóng vai trò rất quan trọng.
Theo kế hoạch, từ đầu năm 2024, tất cả ngân hàng và trung gian thanh toán sẽ định danh giao dịch online dựa trên dữ liệu dân cư quốc gia, giải quyết nạn lừa đảo bằng tài khoản rác. Dự kiến cuối năm nay, sau khi kế hoạch khai thác dữ liệu hoàn tất thì tất cả các TCTD và trung gian thanh toán sẽ định danh khách hàng thông qua CCCD gắn chíp. Các giao dịch tại quầy và thanh toán online dự kiến cũng bắt buộc phải xác thực khách hàng bằng CCCD gắn chíp, góp phần giải quyết triệt để vấn nạn cho thuê, mượn, mua bán tài khoản ngân hàng tồn tại nhiều năm nay.
Đảm bảo an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu khách hàng
Về phía ngành Ngân hàng, để bảo mật thông tin và dữ liệu khách hàng, NHNN đã và đang chỉ đạo các đơn vị trong Ngành triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp nhằm đảm bảo an toàn, an ninh mạng hệ thống thông tin ngành Ngân hàng và bảo mật dữ liệu khách hàng.
Theo đó, NHNN đã rà soát, ban hành các văn bản pháp luật, văn bản chỉ đạo và kiểm tra công tác bảo đảm an toàn hệ thống thông tin tại các TCTD. Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 13/01/2022 về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng; bên cạnh đó, NHNN cũng ban hành các văn bản cảnh báo về các rủi ro, lỗ hổng bảo mật và chỉ đạo các TCTD triển khai các giải pháp phòng, chống.
NHNN cũng thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trong Ngành làm tốt công tác truyền thông để nâng cao nhận thức về an toàn thông tin (ATTT) cho toàn thể cán bộ của đơn vị và khách hàng của ngân hàng, qua website, ứng dụng Internet Banking/Mobile Banking, email, tin nhắn SMS, banner, poster tại các điểm giao dịch và cảnh báo về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm mạng. NHNN tiếp tục phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) tổ chức các chương trình truyền thông trên truyền hình như “Tay hòm chìa khóa” trong đó lồng ghép các nội dung nâng cao nhận thức về ATTT cho người dân khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử.
Đồng thời, NHNN đã chỉ đạo TCTD thực hiện đăng kí tên miền quốc gia “.vn” và đăng kí bao vây các tên miền “.vn” để bảo vệ thương hiệu, sản phẩm, hoạt động tránh bị lợi dụng, giả mạo. Bên cạnh đó, NHNN chỉ đạo các TCTD nghiên cứu, triển khai áp dụng các giải pháp kĩ thuật để tăng cường công tác bảo đảm ATTT cho các hệ thống thông tin ứng dụng nghiệp vụ ngân hàng, tuân thủ các quy định của pháp luật và NHNN, trong đó tập trung làm tốt một số nhiệm vụ như: Triển khai trung tâm điều hành an ninh mạng (SOC) hoặc thuê dịch vụ từ các doanh nghiệp chuyên môn ATTT để chủ động giám sát, rà soát phát hiện xử lí nhanh chóng các sự kiện mất ATTT; Triển khai ứng dụng các công nghệ mới của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (như AI, Bigdata) để triển khai các giải pháp giám sát, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các giao dịch đáng ngờ qua hệ thống dịch vụ ngân hàng điện tử; phối hợp với Bộ Công an triển khai các giải pháp định danh và xác thực điện tử dựa trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; xác thực khách hàng qua thẻ CCCD gắn chíp và ứng dụng VNeID để nâng cao an toàn cho các dịch vụ ngân hàng điện tử. Đến nay đã có một số NHTM triển khai thử nghiệm xác thực khách hàng qua thẻ CCCD gắn chíp khi thực hiện rút/nộp tiền tại ATM, quầy giao dịch.
NHNN đã và đang phối hợp với Bộ Công an hướng dẫn các TCTD triển khai làm sạch dữ liệu khách hàng trên cơ sở đối chiếu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để hạn chế tình trạng tội phạm mở, sử dụng tài khoản rác; hiện tại đã thực hiện rà soát đối với cơ sở dữ liệu khách hàng vay lưu trữ tại Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC).
Ngoài ra, NHNN cũng phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tội phạm công nghệ cao, chẳng hạn như phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an trong các hoạt động về bảo đảm an toàn các hệ thống thông tin; phối hợp diễn tập ứng cứu sự cố ATTT; đào tạo chuyên gia ATTT; điều tra, cung cấp thông tin truy bắt tội phạm sử dụng công nghệ cao liên quan đến ngành Ngân hàng.
Về phía các TCTD, thực hiện chỉ đạo của NHNN, các TCTD đã tăng cường triển khai các biện pháp nhằm định danh và xác thực chính xác khách hàng. Bên cạnh đó là các giải pháp phòng, chống lừa đảo dựa trên hành vi, thói quen, vị trí địa lí… của khách hàng; giải pháp phòng, chống rửa tiền… Thời gian tới, các TCTD cần tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền thông về ATTT khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử qua website, ứng dụng Internet Banking/Mobile Banking, email, tin nhắn SMS, banner, poster tại các điểm giao dịch.
Về phía khách hàng cần trang bị kiến thức, kĩ năng sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng trên nền tảng số, đảm bảo an toàn thông tin cá nhân và tài khoản. Khi giao dịch ngân hàng trực tuyến, khách hàng lưu ý: Không trả lời các email lạ, không bấm vào các đường link không rõ ràng hoặc yêu cầu nhập thông tin cá nhân, thông tin thẻ. Nên gõ địa chỉ của ngân hàng điện tử chính thức trực tiếp vào trình duyệt khi giao dịch trực tuyến, không nên bấm vào đường link được gửi qua email hay các tin nhắn lạ. Chỉ mua sắm, thanh toán trực tuyến tại những website uy tín, chính thức của các ngân hàng và các đơn vị bán hàng online đáng tin cậy có giao thức bảo mật https. Trong bất kì trường hợp nào, khách hàng tuyệt đối không cung cấp các thông tin thẻ bảo mật qua các mạng xã hội (Facebook, Messenger, Zalo…); bảo mật các thông tin như mật khẩu, mã OTP. Không lưu tài khoản đăng nhập và mật khẩu có gắn với thông tin thẻ trên trình duyệt khi giao dịch; khi giao dịch xong thì phải đăng xuất khỏi ứng dụng, website…
Tài liệu tham khảo
1. Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
2. Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 13/01/2022 của Thống đốc NHNN về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng.
3. Quyết định số 171/QĐ-NHNN ngày 18/02/2022 của Thống đốc NHNN ban hành Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.