(TBTCO) – Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác quản lý, sử dụng tài sản công chủ động và đồng bộ. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, nhận thức và thực tiễn thực hiện việc quản lý, sử dụng tài sản công đã có chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện mục tiêu phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Khung pháp lý quản lý, sử dụng tài sản công ngày càng hoàn thiện
Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, trong 6 tháng đầu năm, ngoài việc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị quyết, quyết định về giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã ban hành các thông tư quy định chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; thông tư hướng dẫn quản lý, sử dụng và khai thác Phần mềm quản lý tài sản công (TSC).
Nhận thức về quản lý, sử dụng tài sản công đã được nâng lên rõ rệt. Ảnh TL minh họa |
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thiện các dự thảo nghị định (quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi; quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô; sửa đổi, bổ sung nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng TSC…); đồng thời, thực hiện nghiên cứu, xây dựng các dự thảo nghị định của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng đối với TSC.
Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã phê duyệt mới phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 133 cơ sở nhà, đất của khối bộ, cơ quan trung ương. Lũy kế đến ngày 20/6/2023, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 30.831 cơ sở nhà, đất thuộc quản lý của các bộ, ngành, cơ quan trung ương. |
Như vậy, cho đến nay, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 19 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 quyết định, ban hành theo thẩm quyền 15 thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quản lý, sử dụng TSC. Khung pháp lý cho công tác quản lý, sử dụng TSC đến nay cơ bản đã điều chỉnh đầy đủ chế độ quản lý từ khi hình thành đến sử dụng, khai thác và xử lý tài sản.
Về tổ chức quản lý, sử dụng TSC, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện xử lý, sắp xếp nhà, đất của các bộ, ngành, tổng công ty và tập đoàn kinh tế do Thủ tướng Chính phủ thành lập. Đồng thời, Bộ Tài chính đã tham gia ý kiến về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng theo thẩm quyền đối với một số bộ, ngành: Bộ Ngoại giao, Bộ Xây dựng, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam… và một số địa phương như Bến Tre, Phú Yên…
Theo đánh giá từ Bộ Tài chính, với việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng TSC và đồng bộ để thực hiện, pháp luật về quản lý, sử dụng TSC đã xác lập rõ đối tượng được giao quản lý, sử dụng đối với mỗi loại TSC gắn liền với quyền và nghĩa vụ của tập thể, cá nhân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quản lý, sử dụng. Đồng thời, Bộ Tài chính đã xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng TSC đồng bộ gắn với trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ tiêu chuẩn định mức trong toàn bộ quá trình quản lý TSC, nâng cao tính công khai trong quản lý, sử dụng TSC; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để từng bước nắm chắc, đầy đủ hiện trạng tình hình biến động của TSC.
Đồng thời, với khung pháp luật về quản lý, sử dụng TSC ngày càng hoàn thiện đã tạo ra cơ chế phân công, phân cấp quản lý, sử dụng TSC phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, xã hội, tính chất quản lý, sử dụng TSC, năng lực quản lý của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị. Quy định về phân cấp quản lý TSC được thực hiện xuyên suốt từ khi có Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đến nay, theo nguyên tắc tài sản do cấp nào quản lý thì cấp đó quyết định việc đầu tư, mua sắm, sử dụng, khai thác, xử lý. Việc phân định thẩm quyền quyết định cụ thể trong nội bộ bộ, ngành, địa phương do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, HDDND và UBND cấp tỉnh quyết định. Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính quyết định các nội dung liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương.
Tiếp tục hoàn thiện và trình Chính phủ các nghị định về quản lý, sử dụng từng loại TSC
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả trong 6 tháng đầu năm, nhưng theo đánh giá tổng quát từ Bộ Tài chính, công tác quản lý TSC vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Đó là, hệ thống pháp luật điều chỉnh về quản lý, sử dụng TSC, đặc biệt là các TSC chuyên ngành còn chưa được ban hành, sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Cơ chế phân cấp quản lý TSC còn bất cập, dồn nhiều lên cơ quan cấp trên. Việc sắp xếp lại nhà, đất, xe ô tô còn chậm ở cả khâu phê duyệt và tổ chức thực hiện, vi phạm trong quản lý, mua sắm, xử lý TSC vẫn còn diễn ra. Việc chấp hành chế độ báo cáo, cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu còn chưa nghiêm.
Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ ký ban hành nghị định quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô trong thời gian tới. Ảnh minh họa |
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục các hạn chế còn tồn tại, trong 6 tháng cuối năm và những năm tiếp theo, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ để trình Chính phủ ban hành các nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi (thay thế Nghị định số 129/2017/NĐ-CP); nghị định quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô (thay thế Nghị định 04/2019/NĐ-CP); nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng TSC.
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 19 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 quyết định, ban hành theo thẩm quyền 15 thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quản lý, sử dụng TSC. Khung pháp lý cho công tác quản lý, sử dụng TSC đến nay cơ bản đã điều chỉnh đầy đủ chế độ quản lý từ khi hình thành đến sử dụng, khai thác và xử lý tài sản. |
Bộ Tài chính trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các văn bản quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác quỹ nhà, đất không sử dụng vào mục đích để ở giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý; quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; các nghị định quy định về quản lý, sử dụng và khai thác đối với nhóm tài sản kết cấu hạ tầng giao thông (hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa, đường sắt quốc gia, đường bộ…).
Ngoài ra, Bộ Tài chính tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh việc báo cáo kê khai, lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc đối tượng cổ phần hóa) để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP theo tinh thần Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội, Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 14/4/2023 của Chính phủ.
Bộ Tài chính đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài sản công, kê khai, đăng nhập và chuẩn hóa dữ liệu về tài sản công trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công.
Đặc biệt, Bộ Tài chính thực hiện kiểm tra chuyên đề công tác quản lý, sử dụng TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ quản lý, sử dụng TSC; kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của cơ quan quản lý TSC tại Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương để bảo đảm thực hiện tốt công tác quản lý TSC.