Ngày 10/11, Tạp chí Ngân hàng tổ chức Hội thảo quốc gia với chủ đề “Thúc đẩy tài chính toàn diện hướng tới phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam”. Tham dự và chủ trì hội thảo có PGS.TS Nguyễn Kim Anh – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam.
Ưu tiên tín dụng nông nghiệp, nông thôn
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Kim Anh – Phó Thống đốc NHNN – cho biết, nông nghiệp, nông thôn luôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, là vấn đề có tính chiến lược trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trải qua nhiều giai đoạn, Đảng ta luôn chủ trương phát triển nông nghiệp, nông thôn và không ngừng nâng cao đời sống của người nông dân. Đối với ngành Ngân hàng, trong những năm qua, NHNN luôn xác định tín dụng nông nghiệp, nông thôn là một trong năm lĩnh vực ưu tiên. NHNN đã trình Chính phủ ban hành nhiều chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Trên cơ sở đó, các tổ chức tín dụng tập trung đầu tư vốn, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, lãi suất… cho các khách hàng thuộc khu vực nông nghiệp, nông thôn. Hệ thống ngân hàng cũng hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp nông nghiệp bằng nhiều hình thức cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tài chính như gói sản phẩm, dịch vụ cho thu mua chế biến xuất khẩu lương thực, gói sản phẩm dịch vụ dành cho hộ sản xuất…
Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, nhằm góp phần thực hiện những định hướng lớn về phát triển nông nghiệp, nông thôn như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã chỉ ra, đòi hỏi ngành Ngân hàng cần tập trung, dành nhiều nguồn lực hơn nữa.
PGS.TS Nguyễn Kim Anh – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh Minh Hoàng |
Đánh giá về thực trạng tiếp cận các dịch vụ tài chính ở khu vực nông thôn Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thanh Phương, Trưởng Khoa Tài chính (Học viện Ngân hàng) cho rằng dịch vụ ngân hàng đang ngày càng phát triển tại khu vực nông thôn, hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM) tại Việt Nam đa dạng về quy mô, tính chất hoạt động và hình thức sở hữu, là lực lượng nòng cốt cung cấp các dịch vụ ngân hàng đến các chủ thể trên thị trường.
Là một chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn qua có tăng trưởng khá. Đến cuối tháng 10/2020, tổng tín dụng của khu vực này ước đạt trên 2,17 triệu tỷ đồng, tăng 6,5% so với cuối năm 2019, chiếm gần 25% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, trên 80 tổ chức tín dụng và 1.181 quỹ tín dụng nhân dân tham gia cho vay nông nghiệp, nông thôn.
Theo Báo cáo thường niên của NHNN, tính đến ngày 31/12/2019, Việt Nam có 38 ngân hàng (bao gồm NHTM Nhà nước và cổ phần, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), Ngân hàng Phát triển, Ngân hàng Hợp tác xã), 2 ngân hàng liên doanh, 49 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Bên cạnh đó, hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam trong phát triển tài chính toàn diện phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) và các TCTD phi ngân hàng. Tính đến cuối năm 2019, cả nước có 1.182 QTDND và 26 TCTD phi ngân hàng, 4 tổ chức tài chính vi mô. So với năm 2015, năm 2019, các QTDND (phân bố chủ yếu ở khu vực nông thôn) đã tăng qua các năm. Xét về mật độ bao phủ của mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch trên lực lượng dân số trong độ tuổi lao động, khu vực thành thị có mức phân bổ dày hơn khu vực nông thôn.
Dịch vụ tài chính nông thôn: Thị trường tiềm năng cho Fintech
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phương, nếu so với nước khác trong khu vực, mạng lưới phát triển của hệ thống các TCTD tại Việt Nam vẫn còn ở mức thấp dẫn tới hạn chế trong việc tiếp cận dịch vụ, sản phẩm tài chính của khu vực dân cư, nhất là khu vực ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Khu vực nông thôn – khu vực đầy tiềm năng ở một đất nước nông nghiệp như Việt Nam cho phát triển dịch vụ Fintech nhưng lại đang bỏ ngỏ, trong khi các sản phẩm dịch vụ tài chính được cung cấp khá đa dạng ở khu vực thành thị.
Nguyên nhân được cho là các tổ chức tài chính và các tổ chức có liên quan ở từng vùng, từng địa bàn chưa có hành động cụ thể để đạt mục tiêu đó. Khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực gọi vốn, cho vay, quản lý dữ liệu cho hoạt động của các công ty Fintech chưa hoàn thiện, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển và năng lực cung ứng dịch vụ của các công ty này. Bên cạnh đó, việc sử dụng công nghệ của một số người dân chưa tốt. Việc sử dụng điện thoại thông minh để thực hiện các dịch vụ tài chính đối với nông dân, người có thu nhập thấp còn hạn chế. Điều này, làm hạn chế khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính cũng như đẩy chi phí của việc tiếp cận dịch vụ lên cao.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Minh Hoàng |
Tuy nhiên theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phương, trong xu hướng phát triển nền kinh tế số hiện nay, các công ty Fintech đang dần nổi lên như một trong những đối tác cung cấp dịch tài chính đầy triển vọng ở cả khu vực thành thị và nông thôn. Nhiều NHTM đã nhanh chóng bắt kịp xu thế, hợp tác với các công ty cung cấp dịch vụ Fintech, cho ra đời các sản phẩm phục vụ thị trường.
PGS.TS Nguyễn Thanh Phương đánh giá, ngoài các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng truyền thống, các NHTM đã thực hiện kết nối trực tiếp khách hàng qua phương tiện viễn thông, liên kết thu hộ thuế, thu cước điện thoại, điện nước… Các dịch vụ tiện ích đi kèm thẻ ngày càng được đa dạng hóa như thẻ mua xăng dầu, mua hàng online, triển khai ứng dụng hình thức giải ngân chương trình tín dụng học sinh, sinh viên qua thẻ ATM… Đây là cơ sở để phát triển mạnh phương thức thanh toán không dùng tiền mặt ở nhiều lĩnh vực trên cả nước.
Để tiếp tục thúc đẩy tài chính toàn diện hướng tới phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn, nhiều chuyên gia cho rằng cần tiếp tục triển khai các giải pháp như đẩy mạnh phát triển hệ thống kênh cung ứng, các sản phẩm, dịch vụ mang tính đặc thủ, phù hợp với nhu cầu của khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Ngoài ra, hệ thống ngân hàng cần tiếp tục chủ động đưa ra các giải pháp mới nhằm đóng góp thiết thực cho quá trình cơ cấu lại khu vực nông nghiệp, nông thôn như ứng dụng công nghệ hiện đại để tăng cường khả năng cung cấp dịch vụ tài chính ngân hàng cho khu vực này, gắn liền với các giải pháp về giáo dục tài chính, xây dựng các chính sách về bảo vệ người tiêu dùng tài chính.
TS. Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN) cho rằng với vai trò là Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện, NHNN trong thời gian qua đã phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương trên cả nước tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Sau hơn 1 năm thực hiện, khuôn khổ pháp lý từng bước được hoàn thiện và đồng bộ.
Các tổ chức cung ứng sản phẩm cũng như các kênh phân phối đã hiện diện ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước và nỗ lực hết sức để cho ra đời các sản phẩm mang tính đặc thù, sáng tạo cho khách hàng mục tiêu. Đơn cử, các sản phẩm tại Phòng giao dịch tài chính cộng đồng vùng sâu, vùng xa của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB), Trung tâm giao dịch 24h tại các trạm xăng của Ngân hàng Đông Á…
Dù khuôn khổ pháp lý về tài chính toàn diện liên tục được cập nhật, hoàn thiện nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận là chưa bắt kịp với thực tiễn, nhất là khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã cho ra đời nhiều sản phẩm công nghệ mới, các công ty Fintech…; thiếu các quy định về bảo vệ người tiêu dùng tài chính; mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch của các tổ chức tín dụng vẫn chủ yếu ở các khu vực thành thị, còn các địa bàn vùng sâu, vùng xa còn ít hoặc chưa có.
Trên cơ sở đó, để thực tốt nhiệm vụ trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tài chính toàn diện, nhất là việc ứng dụng các sản phẩm trên nền tảng số, huy động nguồn lực xã hội tham gia vào tài chính vi mô…
Để chiến lược này được triển khai thành công, cần có sự quyết tâm rất lớn từ Chính phủ và sự đồng thuận của tất cả các bộ, ngành để có các giải pháp mang tính lan tỏa mạnh mẽ hơn.