22 C
Vietnam
spot_img
HomeCông NghệTrung gian thanh toán và công nghệ tài chính hoạt động thông...

Trung gian thanh toán và công nghệ tài chính hoạt động thông suốt giữa đại dịch COVID-19

Tham dự Hội nghị có Tổng Thư ký HHNH Nguyễn Quốc Hùng; ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Văn phòng Chính phủ); ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN); cùng đại diện 16 tổ chức hội viên HHNH, trong đó có: 13 tổ chức trung gian thanh toán, 2 công ty Fintech và 1 công ty về thông tin tín dụng.

Thanh toán di động tăng 1.000% về số lượng và 3.000% về giá trị

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, theo thống kê hiện có trên 100 doanh nghiệp Fintech đang hoạt động, chủ yếu trong lĩnh vực thanh toán, tiếp đến là trong lĩnh vực tài chính cá nhân, cho vay ngang hàng…. Đến nay, NHNN đã cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho 43 tổ chức không phải là ngân hàng, trong đó có 13 tổ chức là hội viên của HHNH. Hiện nay, có khoảng trên 80.000 điểm QR code thanh toán, 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua internet, 49 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động, 30 ngân hàng thương mại (NHTM) và 6 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp triển khai.

Tổng Thư ký HHNH Nguyễn Quốc Hùng phát biểu khai mạc Hội nghị

Kết quả giao dịch qua các dịch vụ TGTT trong 6 tháng đầu năm 2021 đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020, cụ thể: dịch vụ cổng thanh toán điện tử tăng 46,77% về số lượng, 42,60% về giá trị; dịch vụ ví điện tử tăng 85,38% về số lượng, 91,57% về giá trị; dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ tăng 47,10% về số lượng, 78,09% về giá trị; dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền tăng 95,66% về số lượng, 16,94% về giá trị.

Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) được các công ty chú trọng đầu tư, nhất là thanh toán điện tử, với chất lượng được nâng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán ngày càng tăng của xã hội. Số liệu của NHNN cho thấy, trong 5 năm qua, tổng số lượng thanh toán qua kênh internet tăng 262,5%, giá trị thanh toán tăng 353%; thanh toán di động tăng 1.000% về số lượng và 3.000% về giá trị. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, số lượng giao dịch tài chính qua kênh internet banking là gần 325,41 triệu giao dịch, với giá trị giao dịch đạt xấp xỉ 17.067,08 nghìn tỷ đồng (tăng 62,50% về số lượng và 32,03% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2020); tương tự số lượng giao dịch tài chính qua kênh mobile banking đạt gần 862,83 triệu giao dịch, với giá trị giao dịch đạt xấp xỉ 10.515,13 nghìn tỷ đồng (tăng 82,71% về số lượng và 115,11% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2020).

Các tổ chức TGTT đã thường xuyên kiểm tra rà soát, sửa đổi bổ sung quy trình nghiệp vụ, đào tạo và đào tạo lại cán bộ nhằm đáp ứng nhu cầu dịch vụ ngày càng cao của người dân đồng thời luôn chấp hành quy định pháp luật và chỉ đạo của NHNN trong hoạt động thanh toán. Chính vì vậy, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp vừa qua, các đơn vị trung gian thanh toán đã thực hiện tốt nhiệm vụ dịch vụ của mình một cách thông suốt, an toàn hiệu quả và có những chính sách phù hợp, giảm phí cho người sử dụng.

Về phía hỗ trợ từ Hiệp hội, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, thời gian qua, với vai trò cầu nối liên kết, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức hội viên, HHNH đã bám sát, lắng nghe, tập hợp ý kiến, hỗ trợ và phản ánh kịp thời với Chính phủ, NHNN và các cơ quan quản lý khác nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong hoạt động của các tổ chức hội viên, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ cho các tổ chức hội viên như: Làm cầu nối, hỗ trợ tổ chức hội viên tham gia xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý; Tuyên truyền, phổ biến cơ chế chính sách, giải đáp pháp luật; tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện cơ chế chính sách, hỗ trợ về nghiệp vụ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức hội viên.

Hiệp hội đã có những hỗ trợ thiết thực cho các tổ chức hội viên trong việc thực hiện tái cơ cấu TCTD và xử lý nợ xấu, thực hiện đẩy mạnh TTKDTM,… thông qua các buổi tọa đàm, hội thảo,… để tạo điều kiện cho các hội viên chia sẻ, trao đổi với các cơ quan có thẩm quyền về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động và đề xuất giải pháp xử lý, cụ thể: tổ chức gần 20 tọa đàm, hội thảo (về cơ cấu giãn nợ; giảm lãi suất; giảm phí; Thông tư 01, 03, 14; xếp loại TCTD; mua bán trái phiếu;…).

Công tác truyền thông của Hiệp hội đã hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động của các tổ chức hội viên; Chú trọng tiếp cận các tổ chức hội viên, nắm bắt nhanh và kịp thời những vấn đề mới, tăng cường lượng bài viết có chất lượng, thu hút bài viết của những cộng tác viên tại các tổ chức hội viên để có được những bài mang tính thực tiễn cao, phản ánh kịp thời khó khăn vướng mắc, tình hình hoạt động, việc làm được của hội viên nhằm tuyên truyền, bảo vệ, nhân rộng gương điển hình và định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận của xã hội đối với hoạt động ngân hàng; Phối hợp với các đơn vị truyền thông trong và ngoài ngành để thực hiện tuyên truyền, phổ cập cơ chế chính sách. 

Tiềm năng và áp lực với các tổ chức TGTT

Các đại biểu tại điểm cầu Hiệp hội Ngân hàng

Dù đạt được những kết quả tích cực trong cung ứng dịch vụ thanh toán, tuy nhiên, tại hội nghị, các đại biểu cũng chia sẻ nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động thanh toán.

 

Đại diện một số tổ chức hội viên tham gia phát biểu đóng góp ý kiến tại Hội Nghị ở đầu cầu HHNH

Đại diện các TGTT và Fintech nêu quan điểm và cho rằng dịch vụ ví điện tử, cổng thanh toán trung gian đang trong giai đoạn phát triển, người dân đã bước đầu chấp nhận và sử dụng các phương thức thanh toán trực tuyến an toàn, đảm bảo. Nhu cầu và thói quen tiêu dùng của người dân có sự chuyển hướng từ ngoại tuyến (offline) sang không gian trực tuyến (online), cùng với sự bùng nổ của các sàn thương mại điện tử và bối cảnh giãn cách xã hội ứng phó dịch COVID-19. Tuy nhiên, hiện tại hoạt động TGTT vẫn gặp phải các khó khăn vướng mắc, có thể kể đến như:

Thứ nhất, khó khăn trong việc triển khai các biện pháp nhận biết khách hàng. Việc quy định khách hàng phải có tài khoản tại ngân hàng và liên kết ví với thẻ ngân hàng gây khó khăn cho một số khách hàng không có tài khoản tại ngân hàng, nhất là với những người ở khu vực nông thôn hay vùng sâu, vùng xa. Đối với khách hàng đã liên kết tài khoản/thẻ thì đều phải đăng ký dịch vụ internet banking hoặc mobile banking của ngân hàng. 

Thứ hai, khung khổ pháp lý về dịch vụ TGTT và Fintech còn thiếu và chưa đồng bộ do đó vướng mắc khi triển khai thực hiện; chưa có hành lang pháp lý tương ứng giúp cho TGTT cung cấp dịch vụ cho một số mô hình đặc thù, trong khi nhu cầu ngày càng gia tăng.

Hiện NHNN đã dự thảo và lấy ý kiến các bộ, ngành dự thảo Nghị định quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng (Sandbox), tuy nhiên một số quy định tại dự thảo chưa phù hợp với thực tế. Mặt khác, cơ chế thí điểm Sandbox là một cơ chế mới, phức tạp chưa từng có tiền lệ trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật.

Hay một số quy định pháp luật hiện hành (quản lý rủi ro, phòng chống rửa tiền…) đang được thiết kế phù hợp cho hệ thống ngân hàng và có yêu cầu áp dụng tại các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT với mức độ tương đương ngân hàng. Tuy nhiên, đối tượng, phạm vi hoạt động và cách thức tổ chức của ngân hàng và tổ chức TGTT có nhiều điểm khác biệt, do đó, tổ chức TGTT còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Thứ ba, lượng người dùng ví điện tử và các hình thức thanh toán trực tuyến ngày một gia tăng, song mức độ bao phủ còn thấp và tập trung phần lớn ở khu vực thành thị. Hệ thống cơ sở hạ tầng, điểm chấp nhận TTKDTM tại vùng nông thôn còn ít. Nhiều hệ sinh thái được phát triển một cách tự phát và chưa có sự liên thông.

Thứ tư, cơ chế hợp tác, chia sẻ dữ liệu giữa các ngân hàng, các tổ chức tín dụng và các tổ chức TGTT, Fintech… chưa rõ ràng, còn đang trong tình trạng khép kín, chưa thực sự mở. 

Dù còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, đại diện các TGTT và Fintech là hội viên của HHNN cũng nhận định, lĩnh vực TGTT tại Việt Nam rất tiềm năng, phát triển và thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài góp vốn. Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài giúp các tổ chức TGTT Việt Nam có thêm nguồn tài chính, cơ hội học hỏi kỹ năng quản lý, tiếp nhận công nghệ hiện đại nhưng cũng tạo áp lực và cạnh tranh cho các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT trong nước.

Qua các ý kiến trao đổi, đề xuất của Nhóm các tổ chức hội viên HHNH là tổ chức TGTT và Fintech trong thời gian qua, tại Hội nghị, đại diện Vụ Kinh tế tổng hợp (Văn phòng Chính phủ), Vụ Thanh toán, Vụ Pháp chế (NHNN) cho biết, sẽ lắng nghe, tiếp thu các ý kiến để có cở sở tham mưu với lãnh đạo Chính phủ, NHNN ban hành các chủ trương, chính sách phù hợp trong giai đoạn khó khăn do đại dịch COVID-19 bùng phát như hiện nay và thời gian tới nhằm hỗ trợ các tổ chức TGTT và Fintech.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp, Văn phòng Chính phủ: “Là cơ quan xây dựng, thẩm tra chính sách trình lên chính phủ, chúng tôi rất băn khoăn làm sao cho chính sách phù hợp với thực tế, đảm bảo công tác quản lý nhà nước. HHNH có vai trò rất quan trọng để các tổ chức hội viên thông qua nhằm tạo thành hệ thống kiến nghị để các cơ quan quản lý nhà nước có thêm thông tin chính thức để kiến nghị với chính phủ chỉ đạo xử lý các vấn đề xã hội quan tâm.”

Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Thư ký HHNH Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, HHNH sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, bảo vệ tổ chức hội viên nói chung và nhóm TGTT và công ty Fintech nói riêng. Đặc biệt là hỗ trợ, kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước sớm ban hành, hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan đến TGTT như: Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (sandbox), khung thể chế thử nghiệm cho vay ngang hàng (P2P Lending), Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về TTKDTM, Thông tư hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán, Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Nghị định về định danh và xác thực điện tử, Luật Giao dịch điện tử,…; Tăng cường hoạt động của Ủy ban Công nghệ, CLB Fintech thuộc HHNH trong việc thống nhất định hướng, tham mưu HHNH trong công tác phản biện, tuyên truyền chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động trung gian thanh toán và công nghệ tài chính ngân hàng.

Hiệp hội sẽ tiếp cận, gần gũi, sâu sát hơn với tổ chức hội viên, nắm bắt, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc để từ đó kịp thời có các giải pháp, biện pháp cụ thể hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc; có những kiến nghị phù hợp đến các Cơ quan quản lý Nhà nước xem xét giải quyết. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông hỗ trợ cho tổ chức hội viên thông qua trang tin điện tử, Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ (bản in) và Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ điện tử (Thitruongtaichinhtiente.vn) phối hợp với Vụ Truyền thông của NHNN và các cơ quan báo chí ngoài ngành.

Liên quan đến đề xuất của các hội viên về đề nghị Bộ Công an chấp thuận việc chia sẻ thông tin Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm hạn chế tình trạng tiêu cực, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng nói chung và các tổ chức TGTT và Fintech nói riêng, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cũng cho biết: “HHNH sẽ tiếp tục khẩn trương nghiên cứu và có đề xuất phù hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong thời gian tới”.

Bài Viết Mới Nhất

Đáng Xem

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here