18 C
Vietnam
spot_img
HomeCông NghệTăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn trong mở và...

Tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn trong mở và sử dụng tài khoản thanh toán

Tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn trong mở và sử dụng tài khoản thanh toán

Đảm bảo an toàn cho các hệ thống công nghệ thông tin cung cấp dịch vụ ngân hàng là nhiệm vụ thường xuyên và liên tục của ngành Ngân hàng. Đặc biệt, an toàn tài khoản thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân và dữ liệu khách hàng luôn được các ngân hàng quan tâm. Ngày 22/6/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có Công văn số 4884/NHNN-TT gửi các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc áp dụng các biện pháp hạn chế việc mở, sử dụng tài khoản thanh toán cho mục đích gian lận, lừa đảo.

Dừng cung cấp dịch vụ nếu tài khoản thanh toán nghi ngờ nguồn tiền chuyển vào không hợp pháp

Cụ thể, NHNN yêu cầu tổ chức tín dụng (TCTD) rà soát quy trình, quy định nội bộ về mở, sử dụng tài khoản thanh toán và chỉ đạo cán bộ, nhân viên trong toàn hệ thống TCTD thực hiện nghiêm trình tự, thủ tục mở tài khoản thanh toán theo quy định tại Điều 14 và khoản 1 Điều 14a Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 của Thống đốc NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán – Thông tư số 23 (đã được sửa đổi, bổ sung), không thực hiện việc mở tài khoản thanh toán theo danh sách khách hàng lập sẵn, bảo mật thông tin khách hàng mở tài khoản.

Đối với các tài khoản thanh toán nghi ngờ nguồn tiền chuyển vào không hợp pháp, TCTD cần yêu cầu khách hàng ra quầy giao dịch để xác minh lại thông tin khách hàng, dừng cung cấp dịch vụ trên Mobile Banking hoặc yêu cầu xác thực giao dịch thanh toán kênh điện tử bằng yếu tố sinh trắc học hoặc sử dụng chữ kí số, dừng giao dịch nếu có đủ căn cứ xác đáng…

Đẩy nhanh tiến độ triển khai kết nối khai thác dữ liệu dân cư để làm sạch dữ liệu, xác minh chính xác khách hàng theo Kế hoạch số 01/KHPH-BCA- NHNN ngày 24/4/2023 của NHNN và Bộ Công an về phối hợp triển khai Đề án 061 đảm bảo kiểm tra, đối chiếu khớp đúng thông tin khách hàng mở tài khoản thanh toán với thông tin lưu trữ trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGvDC) nhằm hạn chế việc mở tài khoản thanh toán bằng giấy tờ tùy thân giả mạo, cho thuê tài khoản thanh toán…


Trong đó, NHNN lưu ý một số nội dung:

Thứ nhất, đối với trường hợp khách hàng mở tài khoản thanh toán tại chi nhánh, phòng giao dịch: Phổ biến, đào tạo đến toàn bộ cán bộ, giao dịch viên về nhận biết giấy tờ tùy thân thật, giả khi tiếp xúc kiểm tra giấy tờ tùy thân của khách hàng trong quá trình mở tài khoản thanh toán; nghiên cứu, sử dụng thiết bị/ứng dụng chuyên dụng đọc thông tin trong chíp căn cước công dân (CCCD) để xác thực thông tin, dữ liệu khách hàng mở tài khoản thanh toán tại quầy, phục vụ kiểm tra, đối chiếu xác thực khách hàng trong quá trình sử dụng tài khoản thanh toán. Lưu trữ, bảo quản đầy đủ dữ liệu sinh trắc học của khách hàng để phục vụ kiểm tra đối chiếu xác thực khách hàng trong quá trình sử dụng tài khoản thanh toán.

Thứ hai, đối với trường hợp khách hàng mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử: Các ngân hàng thương mại phải áp dụng các biện pháp công nghệ để kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ giấy tờ tùy thân của khách hàng; nghiên cứu áp dụng các giải pháp, công nghệ thiết bị chuyên dụng kết nối khai thác dữ liệu dân cư, sử dụng CCCD gắn chíp để kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của CCCD hoặc nghiên cứu kết nối CSDLQGvDC để xác minh thông tin nhận biết khách hàng; lưu trữ, bảo quản đầy đủ dữ liệu sinh trắc học của khách hàng để phục vụ kiểm tra đối chiếu xác thực khách hàng trong quá trình sử dụng tài khoản thanh toán.

Thời gian qua, NHNN đã tăng cường áp dụng các biện pháp hạn chế việc mở, sử dụng tài khoản thanh toán cho mục đích gian lận, lừa đảo (Nguồn ảnh: Internet)

 
Xây dựng tiêu chí nhận diện các tài khoản thanh toán có dấu hiệu nghi ngờ gian lận, lừa đảo

Tại Công văn số 4884/NHNN-TT, NHNN cũng yêu cầu các TCTD phải chủ động nghiên cứu, xây dựng, áp dụng các biện pháp quản lí rủi ro trọng hoạt động mở, sử dụng tài khoản thanh toán nhằm phát hiện, ngăn ngừa các hành vi gian lận lừa đảo, lợi dụng tài khoản thanh toán cho mục đích bất hợp pháp, trong đó bao gồm việc xây dựng, áp dụng Bộ tiêu chí nhận diện các tài khoản thanh toán có dấu hiệu nghi ngờ gian lận, lừa đảo; thường xuyên cập nhật các dấu hiệu trong Bộ tiêu chí và phổ biến quán triệt trên toàn hệ thống để áp dụng thống nhất Bộ tiêu chí.

Căn cứ vào mức độ rủi ro của các tiêu chí trong Bộ tiêu chí, TCTD áp dụng từ chối thực hiện giao dịch hoặc tạm dừng cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử và thực hiện các biện pháp xác thực, xác minh lại khách hàng. Đơn cử: Áp dụng giải pháp xác minh thông qua yếu tố sinh trắc học trên ứng dụng di động Mobile App; xác thực (MOC) qua CCCD gắn chíp; xác thực thông qua tài khoản định danh điện tử VNeID mức độ 2; xác thực trực tuyến với CSDLQGvDC bằng giao diện lập trình ứng dụng (API); gặp mặt trực tiếp tại quầy giao dịch…).

Rà soát, sửa đổi, bổ sung nội dung thỏa thuận mở, sử dụng tài khoản thanh toán, thỏa thuận sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử và các quy định nội bộ quản lí rủi ro để triển khai áp dụng các biện pháp trong Bộ tiêu chí.

Định kì hằng tháng cung cấp thông tin về các tài khoản thanh toán có dấu hiệu nghi ngờ liên quan đến giao dịch gian lận, lừa đảo cho NHNN (qua Vụ Thanh toán). NHNN rà soát tổng hợp xây dựng kho dữ liệu chung về tài khoản thanh toán có dấu hiệu nghi ngờ gian lận và sẽ nghiên cứu để có cơ chế chia sẻ thông tin với các TCTD để góp phần ngăn ngừa hoạt động gian lận, lừa đảo qua tài khoản thanh toán.

Ngoài ra, TCTD cũng phải chủ động nghiên cứu, xây dựng, triển khai các biện pháp đảm bảo việc sử dụng tài khoản thanh toán được thực hiện bởi chính chủ tài khoản thanh toán hoặc người được ủy quyền hợp pháp nhằm hạn chế cho thuê, mượn tài khoản thanh toán như: Định kì áp dụng các biện pháp để kiểm tra, xác minh đảm bảo chủ tài khoản thanh toán là chủ số thuê bao di động đã đăng kí sử dụng dịch vụ SMS Banking, dịch vụ Intemet/Mobile Banking (ưu tiên áp dụng trước đối với các tài khoản có dấu hiệu đáng ngờ); thu thập, lưu trữ dữ liệu sinh trắc học của chủ tài khoản để kiểm tra, đối chiếu trong quá trình chủ tài khoản thanh toán thực hiện giao dịch; nghiên cứu, có kế hoạch áp dụng sử dụng chữ kí số hoặc yêu cầu xác thực bằng yếu tố sinh trắc học của chủ tài khoản thanh toán theo hạn mức giao dịch phù hợp ưên kênh trực tuyến; triển khai các thuật toán trí tuệ nhân tạo/học máy để kịp thời nhận diện, phát hiện các hành vi bất thường, rủi ro cao trong sử dụng tài khoản thanh toán…

Mở và sử dụng tài khoản thanh toán theo quy định – đảm bảo an toàn cho khách hàng

Trước đó, việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã được quy định tại Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt (Nghị định số 101) (đã được sửa đổi, bổ sung), Thông tư số 23 (đã được sửa đổi, bổ sung), trong đó:

Đối với quy trình mở tài khoản thanh toán, tại Điều 12, Điều 14 Thông tư số 23 đã quy định chặt chẽ về hồ sơ, thủ tục mở tài khoản thanh toán, trong đó, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải áp dụng đầy đủ các biện pháp nhận biết và xác minh thông tin khách hàng mở tài khoản thanh toán, đảm bảo tuân thủ quy định về phòng, chống rửa tiền.

Đồng thời, Điều 5, Điều 6 Thông tư số 23 quy định chặt chẽ về quy trình mở và sử dụng tài khoản thanh toán: (i) Quy định rõ quyền và nghĩa vụ của chủ tài khoản thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; (ii) Quy định về các hành vi bị cấm trong mở, sử dụng tài khoản thanh toán bao gồm mở hoặc duy trì tài khoản nặc danh, mạo danh, chủ tài khoản thanh toán không được cho thuê, cho mượn tài khoản thanh toán của mình và không được sử dụng tài khoản thanh toán để thực hiện cho các giao dịch nhằm mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Đối với việc định danh, xác thực khách hàng bằng phương thức điện tử (eKYC), ngoài việc tuân thủ các quy định chung về mở, sử dụng tài khoản thanh toán, tại Thông tư số 16/2020/TT-NHNN ngày 04/12/2020 của Thống đốc NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23 (Thông tư số 16) còn bổ sung các quy định chặt chẽ về quy trình mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử, cụ thể:

Về đối tượng áp dụng: Chỉ áp dụng đối với khách hàng cá nhân là người Việt Nam, không áp dụng đối với khách hàng cá nhân là người nước ngoài và các đối tượng quy định tại điểm b, c, d khoản 1 Điều 11 Thông tư số 23 (bao gồm người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự; người chưa đủ 15 tuổi, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người đại diện theo pháp luật; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người giám hộ).

Về quy trình mở tài khoản thanh toán, phải đáp ứng các yêu cầu: (i) Có giải pháp, công nghệ để thu thập, kiểm tra, đối chiếu, đảm bảo sự khớp đúng giữa thông tin nhận biết khách hàng, dữ liệu sinh trắc học của khách hàng với các thông tin, yếu tố sinh trắc học tương ứng trên giấy tờ tùy thân của khách hàng; (ii) Xây dựng quy trình quản lí, kiểm soát, đánh giá rủi ro, trong đó có biện pháp ngăn chặn các hành vi mạo danh, can thiệp, chỉnh sửa, làm sai lệch việc xác minh thông tin nhận biết khách hàng trước, trong và sau khi mở tài khoản thanh toán cho khách hàng; biện pháp để kiểm tra, xác minh thông tin nhận biết khách hàng đảm bảo khách hàng thực hiện giao dịch trên  tài khoản thanh toán được mở bằng phương thức điện tử là chủ tài khoản thanh toán đó.

Về hạn mức giao dịch (ghi Nợ) qua tài khoản thanh toán được mở bằng phương thức điện tử: Không vượt quá 100 triệu đồng/tháng/khách hàng (theo khoản 3 Điều 14a Thông tư số 16).

Đến nay, có khoảng 40 ngân hàng triển khai mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử, các ngân hàng đã tăng cường các giải pháp nhận biết, định danh khách hàng mở tài khoản thanh toán.

NHNN cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo toàn Ngành trong việc tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa hành vi gian lận liên quan mở và sử dụng tài khoản thanh toán, có văn bản yêu cầu các ngân hàng tăng cường các biện pháp quản lí rủi ro, đặc biệt công tác hậu kiểm để kịp thời phát hiện các sai lệch thông tin định danh và dấu hiệu bất thường trong quá trình khách hàng mở và sử dụng eKYC2.
 

Về công tác bảo mật thông tin khách hàng, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, tại Điều 14 Luật Các TCTD (Luật số 47/2010/QH12 ngày 16/6/2010) quy định:

“TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng tại TCTD, tài khoản thanh toán cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng”.

Tại Điều 5, Nghị định số 117/2018/NĐ-CP ngày 11/9/2018 của Chính phủ về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định:

“TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài căn cứ quy định của pháp luật, Nghị định này để ban hành quy định nội bộ về giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin khách hàng và tổ chức thực hiện thống nhất trong TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Quy định nội bộ về giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin khách hàng phải bao gồm tối thiểu các nội dung sau đây: Quy trình, thủ tục tiếp nhận, xử lí và cung cấp thông tin khách hàng; quy trình, thủ tục lưu trữ, bảo vệ bí mật thông tin khách hàng; việc giám sát, kiểm tra và xử lí vi phạm quy định nội bộ về giữ bí mật, lưu trữ, cung cấp thông tin khách hàng; phân cấp thẩm quyền, quyền hạn, nghĩa vụ của các đơn vị, cá nhân trong việc giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin khách hàng”.

Ở tầm vĩ mô, Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân (Nghị định số 13) chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kì họp thứ 5 vừa qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.

Bảo vệ dữ liệu cá nhân là hoạt động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lí hành vi vi phạm liên quan đến dữ liệu cá nhân theo quy định của pháp luật. Điều 8, Nghị định số 13 quy định các hành vi bị nghiêm cấm gồm: Xử lý dữ liệu cá nhân trái với quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân; xử lý dữ liệu cá nhân để tạo ra thông tin, dữ liệu nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xử lý dữ liệu cá nhân để tạo ra thông tin, dữ liệu gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; cản trở hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan có thẩm quyền; lợi dụng hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân để vi phạm pháp luật.

Theo Nghị định số 13, các ngân hàng phải chịu trách nhiệm rất cao trong việc bảo vệ thông tin khách hàng. Tại Điều 23 Nghị định số 13, trường hợp phát hiện xảy ra vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân, bên kiểm soát dữ liệu cá nhân, bên kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân thông báo cho Bộ Công an (Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) chậm nhất 72 giờ sau khi xảy ra hành vi vi phạm.

Trường hợp thông báo sau 72 giờ, phải kèm theo lý do thông báo chậm, muộn. Bên xử lý dữ liệu cá nhân phải thông báo cho bên kiểm soát dữ liệu cá nhân một cách nhanh nhất có thể sau khi nhận thấy có sự vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Ngoài ra, theo quy định mới về phòng chống rửa tiền, các ngân hàng phải liên tục quét các giao dịch đáng ngờ, nếu phát hiện phải dừng lại ngay giao dịch.

Với các quy định tại Nghị định số 13 và Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ góp phần đảm bảo an toàn thông tin, quyền công dân, bí mật riêng tư cho người dân.

Tiếp tục phối hợp làm sạch cơ sở dữ liệu khách hàng, loại bỏ các tài khoản “rác”

Để đẩy mạnh hơn nữa việc sử dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động nghiệp vụ ngân hàng một cách an toàn, hiệu quả, hướng đến mục tiêu chuyển đổi số, NHNN và Bộ Công an cần tiếp tục đẩy nhanh việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lí, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện; xây dựng quy trình làm sạch CSDL khách hàng, loại bỏ các tài khoản “rác” thường được tội phạm lợi dụng để chuyển tiền bất hợp pháp. Hoạt động làm sạch dữ liệu khách hàng có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi gian lận, lừa đảo, cho thuê mượn tài khoản ngân hàng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền, ngăn ngừa tội phạm gian lận, lừa đảo tại các TCTD. Cùng với đó, xây dựng quy trình xác thực khách hàng chính xác, ngăn ngừa tội phạm gian lận hồ sơ giấy tờ, mở tài khoản mạo danh hoặc lừa đảo khách hàng chiếm quyền truy cập các dịch vụ ngân hàng số trong cung cấp các dịch vụ ngân hàng số trên môi trường mạng; kết nối nguồn dữ liệu từ CSDLQGvDC sử dụng cho việc xác minh nhân thân khách hàng và tra cứu các thông tin để đánh giá khả năng trả nợ (như thông tin về đóng thuế thu nhập, bảo hiểm xã hội…), từ đó có thể đẩy nhanh thủ tục cho vay, góp phần giảm tín dụng đen trong xã hội.

Về phía ngành Ngân hàng, trong thời gian tới, NHNN cần tiếp tục rà soát và ban hành các chính sách đẩy mạnh ứng dụng chữ kí số và các giải pháp xác thực mạnh trong các loại hình dịch vụ điện tử. NHNN tiếp tục phối hợp Bộ Công an triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025 (Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ); triển khai Đề án số 06 (Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ). Theo đó, tập trung vào kết nối CSDLQGvDC, hệ thống định danh và xác thực điện tử phục vụ công tác quản lí nhà nước và cung ứng dịch vụ trên môi trường điện tử.

Bộ Công an cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể để các TCTD có thể kết nối với CSDLQGvDC và sử dụng dịch vụ xác thực, định danh điện tử phục vụ các hoạt động nghiệp vụ của TCTD; sớm có kế hoạch cho phép các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thử nghiệm kết nối, khai thác CSDLQGvDC để phục vụ hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng. Đồng thời, Bộ Công an tiếp tục hỗ trợ ngành Ngân hàng triển khai các giải pháp xác thực khách hàng qua CCCD gắn chíp trên thiết bị di động hoặc theo phương thức App-to-App (giữa ứng dụng VNeID và Mobile Banking).

Các TCTD, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cần: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số phục vụ người dân đi đôi với đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, các giao dịch ngân hàng số, thanh toán số. Áp dụng những giải pháp, công nghệ tiên tiến và các tiêu chuẩn quốc tế về an ninh, an toàn bảo mật cho hệ thống công nghệ thông tin. Triển khai các giải pháp giám sát, phát hiện, báo cáo, ngăn ngừa kịp thời các giao dịch vượt ngưỡng, giao dịch đáng ngờ, các giao dịch thực hiện không đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Công an và các cơ quan liên quan trong nghiên cứu, triển khai các phương án kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin, dữ liệu từ CSDL CCCD, thông tin trên CCCD gắn chíp để phục vụ việc định danh, xác minh chính xác thông tin nhận biết khách hàng.

Ngành Ngân hàng cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông trên toàn hệ thống, phối hợp các cơ quan thông tấn báo chí và chính quyền địa phương triển khai các chương trình giáo dục tài chính, đối tượng hướng tới là người dân khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, người yếu thế, người già và cả giới trẻ… nhằm nâng cao kiến thức, kĩ năng cho người dân về bảo mật tài khoản thanh toán, an toàn trong sử dụng dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số.

Về phía khách hàng, khi mở và sử dụng tài khoản ngân hàng, khách hàng cần lưu ý: Tuyệt đối không thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản ngân hàng, tài khoản thanh toán, tuyệt đối không mua, bán thông tin tài khoản ngân hàng. Đây là hành vi bất hợp pháp, sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Không sử dụng giấy tờ tùy thân của mình để mở hộ hoặc bán tài khoản thanh toán thẻ cho người khác. Việc cho mượn tên, giấy tờ để làm thẻ, mở tài khoản có thể là hình thức tiếp tay cho kẻ lừa đảo.

1Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

2Công văn số 8987/NHNN-TT ngày 10/02/2021 về việc phòng, ngừa gian lận trong quy trình mở, sử dụng tài khoản thanh toán; Công văn số 1333/NHNN-TT ngày 04/3/2021 về triển khai Thông tư số 16; Công văn số 4029/NHNN-TT ngày 08/6/2021 về việc tăng cường quản lý rủi ro trong mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử; Công văn số 5865/NHNN-TT ngày 24/8/2022 của NHNN chỉ đạo ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tăng cường các biện pháp quản lý rủi ro đối với mở và sử dụng tài khoản thanh toán nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận, lừa đảo…
 
Tài liệu tham khảo:

1. Luật Các Tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16/6/2010.
2. Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
3. Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
4. Nghị định số 117/2018/NĐ-CP ngày 11/9/2018 của Chính phủ về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
5. Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 của Thống đốc NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
6. Công văn số 4884/NHNN-TT ngày 22/6/2023 về việc áp dụng các biện pháp hạn chế việc mở, sử dụng tài khoản thanh toán cho mục đích gian lận, lừa đảo.

 

Minh Trang
NHNN

Bài Viết Mới Nhất

Đáng Xem

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here