17 C
Vietnam
spot_img
HomeTin TứcVietinBank xử lý khoản nợ xấu gần 250 tỷ của Vinaxuki: Rao...

VietinBank xử lý khoản nợ xấu gần 250 tỷ của Vinaxuki: Rao bán 15 ô tô tải chưa hoàn thiện, sản xuất từ năm 2012

Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank AMC) vừa thông báo  xử lý tài sản bảo đảm để thu thu hồi nợ của Công ty CP Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki (Vinaxuki Xuân Kiên).

Tài sản bảo đảm là 15 xe ô tô tải thương hiệu Vinaxuki hiện đang trong kho nhà máy Vinaxuki Mê Linh, các xe đều chưa hoàn thiện để xuất xưởng, sản xuất từ năm 2012.

Theo công bố của VietinBank, khoản nợ của Vinaxuki Xuân Kiên tại VietinBank Chương Dương tính đến ngày 4/7 có giá trị hơn 248,5 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc là hơn 82,4 tỷ đồng, nợ lãi 166,1 tỷ đồng.

Vinaxuki được ông Bùi Ngọc Huyên – Chủ tịch HĐQT – thành lập vào năm 2004, với tham vọng trở thành nhà sản xuất ôtô “made in Vietnam” đầu tiên. Cùng với Trường Hải, đây là một trong hai doanh nghiệp ôtô tư nhân đầu tiên được Chính phủ cấp giấy phép sản xuất ôtô các loại và phụ tùng.

Vinaxuki Xuân Kiên từng dẫn đầu thị trường trong nước đối với dòng xe tải hạng nhẹ. Ngày đó, nhà máy Vinaxuki ở Thanh Hóa nhộn nhịp ngày đêm để cho ra thị trường những chiếc xe tải gắn với tên tuổi ông Huyên.

Tuy nhiên, sai lầm về chiến lược phát triển cùng những lý do khách quan khác đã khiến tên tuổi của Vinaxuki rơi dần vào quên lãng. Theo đó, từ năm 2009, công ty này không còn tập trung cho dòng xe tải mà theo đuổi giấc mơ sản xuất ô tô con Made in Vietnam trong bối cảnh thị trường đã có sự hiện diện của những “ông lớn” ngoại có tuổi đời cả trăm năm.

Giấc mơ ô tô Việt của Vinaxuki đã đột ngột dừng lại vào năm 2012 khi Vinaxuki lỗ 45 tỷ đồng và nợ quá hạn các ngân hàng. Từ đó, Vinaxuki không thể vay được vốn ở ngân hàng nào, dù chỉ là vốn lưu động.

Cũng từ đó, Vinaxuki rơi vào thảm cảnh thua lỗ, nợ nần, các dây chuyền sản xuất bị “đắp chiếu”. Cuối 2012, công ty này nợ ngân hàng tổng cộng 1.472 tỷ đồng.

Chia sẻ với truyền thông, ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng Giám đốc Vinaxuki, cho biết đã phải bán nhà cửa lấy tiền trả lãi để được tái cơ cấu từ vốn vay ngắn hạn sang dài hạn nhưng không được các ngân hàng cho vay nữa. Sau đó, Vinaxuki bị đưa vào nợ xấu nhóm 4 và yêu cầu bàn giao tài sản để ngân hàng đấu giá.

Mới đây, hồi tháng 2/2023, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng thông báo phát mại tài sản bảo đảm Công ty TNHH MTV Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki Thái Nguyên (Công ty con Vinaxuki Xuân Kiên) để xử lý nợ. Cụ thể, tài sản bảo đảm là hệ thống lò luyện trung tần KGPS600-1.0, sản xuất năm 2010 và hệ thống làm mát lò đúc FBH-80T, sản xuất năm 2009. Ngân hàng đưa ra giá khới điểm cho lô tài sản này là gần 332 tỷ đồng.

Trước đó, Vietcombank  từng nhiều lần thông báo đấu giá hệ thống máy móc, thiết bị tại Nhà máy sản xuất ô tô số 1 thuộc chi nhánh Công ty Cổ phần Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) tại huyện Mê Linh, Hà Nội.

Năm 2020, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng thông báo đấu giá tài sản là khoản nợ của Vinaxuki và Công ty TNHH MTV Ô tô Xuân Kiên Thái Nguyên với giá khởi điểm chào bán là 1.351 tỷ đồng.

Đây là khoản nợ đã được ngân hàng giải ngân cho Vinaxuki và Nhà máy tại Thái Nguyên từ những năm trước đó. Tính đến giữa tháng 9/2019, tổng dư nợ gốc và lãi của khoản vay này là 1.265 tỷ đồng.

Tài sản bảo đảm cho khoản nợ này gồm quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội, tổng diện tích đất là hơn 138.814 m2. Cùng với đó là máy móc thiết bị tại nhà máy Vinaxuki Mê Linh; quyền khai thác mỏ quặng Antimon và dây chuyền tuyển quặng tại xã Đắk Drông, huyện Cư Jút (Đắk Nông); tài sản gắn liền với đất của Nhà máy Vinaxuki Thái Nguyên.

Bài Viết Mới Nhất

Đáng Xem

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here